Khi bé mới sinh hay khóc, các ông bố bà mẹ trẻ thường rất căng thẳng. Họ cảm thấy kém tự tin về cách chăm sóc con của mình. Cùng chúng tôi tìm hiểu những nguyên nhân khiến bé khóc để có cách dỗ trẻ phù hợp.
1. Bé đói
Đói luôn là lý do hiển nhiên, dễ hiểu làm cho bé khóc. Một trong những cách giúp bạn nhận ra con muốn ăn là bé bắt đầu ngọ nguậy, làm ồn và rúc rúc vào ngực bạn (nếu bạn cho bé bú). Khi ấy, bạn nên cho bé bú ngay trước khi bé bắt đầu khóc váng lên. Còn khi bé đã khóc, việc được cho ăn sẽ không làm bé im ngay mà trẻ chỉ yên ắng lúc đã no bụng.
2. Bé lo âu
Bé sẽ bám bạn hơn bất cứ ai. Bé sẽ vui vẻ khám phá thế giới xung quanh, miễn là bé có thể trông thấy bạn. Trẻ con rất cần được âu yếm, vỗ về. Chúng thích nhìn thấy khuôn mặt của bố mẹ, nghe tiếng nói và cả nhịp đập trái tim bạn, thậm chí các bé còn nhận ra cả mùi đặc biệt của bố mẹ mình (nhất là mùi sữa mẹ). Vì thế, sau khi được cho ăn, thay đồ, nhiều bé muốn được bế.
Nhiều bà mẹ trẻ sợ việc bế ẵm quá nhiều sẽ không tốt cho con, nhưng thực sự trong mấy tháng đầu, nếu bé cần được chăm sóc, bạn hãy bế con lên, vỗ về bé hay luôn để bé ở gần mình.
3. Bé bị đau
Khi bị va đập vào đâu đó do hiếu động, cũng là lý do khiến bé khóc. Nhiều khi bé giật mình nghe phải những âm thanh lạ, bé cũng có thể khóc. Vì thế bạn chỉ cần vỗ về, ôm ấp bé hoặc bạn có thể đưa cho bé đồ chơi để bé tạm quên.
4. Bé cần thay tã
Một số bé sẽ kêu ầm lên ngay sau khi tè dầm hay ị nhưng cũng có trẻ vẫn ngoan ngoãn nằm im – nếu nó vẫn cảm thấy ấm áp và thoải mái. Bạn sẽ dễ dàng giúp bé ngừng khóc bằng cách thay đồ sạch sẽ, khô thoáng cho con.
5. Bé quá lạnh hay quá nóng
Trẻ rất thích được ấm áp. Vì vậy khi bé của bạn cảm thấy lạnh, chẳng hạn lúc bạn thay quần áo cho con, bé sẽ thể hiện sự khó chịu bằng cách khóc. Vì thế, bạn nên học cách quấn hay thay tã cho bé thật nhanh. Tuy nhiên, các bà mẹ cũng nên lưu ý đừng mặc nhiều đồ cho bé bởi khi nóng bé cũng bực bội và không chịu nằm yên.
6. Mọc răng
Bé mọc răng thường chảy nước dãi, hay cho tay vào miệng. Vì khó chịu trong miệng nên bé cũng hay khóc nhè.
7. Bé mệt vì những kích thích bên ngoài
Bạn có thể thấy bé hay khóc hơn sau những kỳ nghỉ lễ – dịp tụ tập mọi người trong gia đình hay lúc cuối ngày mà chẳng vì lý do gì. Thật ra, các bé thường rất khó thích nghi với tất cả những kích thích bên ngoài như ánh sáng, tiếng ồn hay việc di chuyển quá nhiều… Và tiếng khóc có thể là cách để bé nói: “Con quá mệt rồi!”. Khi ấy, bạn hãy cho bé ở một nơi yên tĩnh, thoải mái với không khí thật trong lành. Bạn cần giúp bé thư giãn để có được giấc ngủ yên lành. Hoặc bạn có thể ôm bé vào lòng, ngồi yên và kể chuyện cho bé nghe.
8. Bé bị ốm
Nếu bạn đã cho con ăn và thấy con hoàn toàn thoải mái (tã vẫn sạch, người đủ ấm…) nhưng bé vẫn khóc, hãy kiểm tra nhiệt độ để xem bé có bị ốm không. Tiếng khóc của bé khi ốm khác hẳn lúc đói hay khi cáu gắt, những ông bố bà mẹ trẻ sẽ sớm “đọc” được điều này và biết lúc nào cần đưa con đi khám.
9. Bé đang đau
Bắt đầu bằng tiếng khóc to sau đó bé thậm chí sẽ hét. Sau một vài giây yên lặng để lấy hơi, bé lại tiếp tục hét to hơn. Những em bé bị đau bụng thường có biểu hiện là mặt bé bắt đầu đỏ, bé co đầu gối lên phía bụng và khóc dữ dội trong vài giờ liền.
Hãy kiểm tra xem bé thấy khó chịu ở đâu. Nếu bạn không phát hiện ra, hãy đưa bé tới bác sĩ.
10. Bé tỏ ra thất vọng
Khi bé cố làm những gì ngoài khả năng mà không làm được cũng là lý do thông thường khiến bé khóc. Việc bạn cần làm là sắp xếp đồ vào nơi để bé dễ lấy. Diệu kế là bạn hãy giới thiệu cho bé đồ chơi mới để bé thôi khóc.
Theo Afamily