Dưới đây là giải thích của bác sĩ sản phụ khoa Jhansi Reddy (tại Mỹ) về 7 vấn đề phụ khoa có thể gặp ở hầu hết chị em.
Bất cứ vấn đề nào xảy ra ở bên trong, ngoài “vùng kín” hoặc ở ngực đều gây cho chị em không ít lo lắng. Nhưng nhiều chị em lại không nắm được những vấn đề phụ khoa mình thường gặp.
Dưới đây là giải thích của bác sĩ sản phụ khoa Jhansi Reddy (tại Mỹ) về 7 vấn đề phụ khoa có thể gặp ở hầu hết chị em.
1. Nhiễm nấm men vào mùa hè
Sở dĩ phụ nữ thường bị nấm men vào mùa hè là do “vùng kín” thường xuyên ẩm ướt hơn so với trong các mùa khác. Vào mùa hè, nhiều chị em có thói quen đi bơi, chạy hoặc bất kì sự vận động nào cũng khiến chị em ra nhiều mồ hôi, “vùng kín” ẩm ướt hơn. Môi trường ẩm ướt là điều kiện tốt cho các vi khuẩn nấm phát triển, do đó, chị em có nguy cơ phát triển bệnh nấm men vào mùa hè nhiều hơn các thời gian khác trong năm.
Để ngăn ngừa bệnh này, chị em cần nhớ nguyên tắc là luôn giữ cho “vùng kín” khô ráo.
Bất cứ vấn đề nào xảy ra ở bên trong, ngoài “vùng kín” hoặc ở ngực đều gây cho chị em không ít lo lắng.
2. Nhiễm trùng đường tiểu
Nếu bạn gặp tình trạng liên tục muốn đi tiểu và mỗi lần tiểu sẽ có cảm giác nóng rát… thì rất có thể bạn đã bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu (nhiễm trùng đường tiểu). Nếu bị nhiễm trùng đường tiết niệu 1 lần/năm thì được coi là tương đối bình thường. Còn trong trường hợp bạn liên tục bị tái phát 4-5 lần/năm thì bạn cần tham khảo tư vấn của bác sĩ.
Uống nước trái cây từ quả nam việt quất, giữ vệ sinh sạch, đi tiểu sau khi quan hệ tình dục… là những cách tốt nhất để giúp bạn phòng ngừa bệnh này.
3. Dịch âm đạo
Dịch âm đạo xảy ra đối với hầu hết tất cả chị em, nó là hiện tượng sinh lý bình thường và lượng dịch ở mỗi người cũng khác nhau. Tuy nhiên, có những trường hợp, dịch âm đạo là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật. Đó là khi chị em thấy dịch âm đạo có màu vàng, xanh, trắng đục, có mùi hôi, tanh, đóng cục… Đây có thể là những dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị nhiễm trùng nấm men hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn.
4. Kinh nguyệt đến sớm hoặc chậm do bạn quên uống thuốc tránh thai
Thay đổi về thời gian chu kì kinh nguyệt do quên uống thuốc tránh thai cũng là điều mà không ít chị em gặp phải. Thuốc tránh thai hàng ngày tác động về mặt hormone nên nếu bạn uống không theo quy định có thể sẽ có tác động đến lượng hormone trong cơ thể, dẫn đến rối loạn và ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng cũng như chu kì kinh nguyệt.
“Nếu quên uống thuốc một vài ngày, bạn cũng có thể chậm kinh vài ngày. Thậm chí, nếu cơ thể bạn nhạy cảm, bạn sẽ có kì kinh nguyệt kéo dài hơn rất nhiều dù bạn chỉ quên uống thuốc 1 ngày”, bác sĩ Reddy cảnh báo.
5. Mùi ở “vùng kín”
Nếu thấy “vùng kín” có mùi khó chịu, chị em nên đi khám phụ khoa ngay vì nó có thể là biểu hiện của các bệnh phụ khoa, đặc biệt là tình trạng nhiễm khuẩn âm đạo do các loại vi khuẩn gây nên.
Để ngăn chặn sự tích tụ vi khuẩn, tránh mặc quần áo quá bó và giữ “vùng kín” sạch, thoáng.
6. Chuột rút ở tử cung
Có nhiều cấp độ chuột rút khác nhau mà chị em có thể gặp phải. Cảm giác này giống như thể có ai đó chạm mạnh vào buồng trứng và bạn cảm thấy một cơn đau nhẹ hoặc nặng. Thực tế, điều này cũng là bình thường nếu thỉnh thoảng bạn mới gặp và các cơn đau chỉ nhẹ nhàng, mau hết, bác sĩ Reddy cho biết.
Trong trường hợp các mức độ chuột rút tăng lên, diễn ra liên tục trong tháng thì đó có thể là một dấu hiệu của bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh viêm vùng chậu, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung… và bạn cần đi khám ngay.
7. U nang ở ngực
Rất nhiều chị em khi phát hiện khối u ở ngực đã vô cùng lo lắng, hoảng loạn. Điều này cũng dễ hiểu vì chị em lo sợ mình bị ung thư vú. Nhưng không phải tất cả các khối u vú đều là dấu hiệu ung thư vú. Đôi khi, chúng có thể là u nang vô hại.
Vì vậy, việc kiểm tra ngực hàng tháng là vô cùng quan trọng vì nó giúp bạn phát hiện những bất thường ở ngực một cách sớm nhất. Thời gian tốt nhất để thực hiện bài kiểm tra này là vài ngày sau khi kết thúc chu kì kinh nguyệt. Ở thời điểm này, ngực bạn sẽ mềm và dễ phát hiện các khối u hơn.
Theo Afamily