Ảnh hưởng của bệnh thận đối với phụ nữ mang thai

Mức độ suy thận vào thời điểm mang thai và tăng huyết áp là 2 yếu tố tiên lượng chính cho thai kỳ. Vì vậy, việc theo dõi và điều trị tích cực tăng huyết áp nếu có là một việc rất quan trọng trong suốt quá trình thai nghén.

Đối với từng bệnh lý thận cụ thể, thai nghén có ảnh hưởng như sau

1. Bệnh thận do đái tháo đường

Thai nghén không làm tăng tình trạng suy thận, nhưng có khả năng nhiễm trùng niệu khá cao, tăng Proteine niệu và tăng huyết áp nhất là vào những tháng cuối.

2. Bệnh lý cầu thận mạn tính

Thai nghén làm tăng huyết áp, nhưng dung nạp tốt nếu trước khi mang thai người bệnh không có tăng huyết áp và không có rối loạn chức năng thận.

Nhiều tác giả cho rằng các loại bệnh cầu thận xơ hoá ổ đoạn, bệnh cầu thận IgA và bệnh cầu thận tăng sinh màng sẽ trầm trọng hơn khi mang thai.

3. Bệnh lý thận do trào ngược và viêm thận thận bể thận mạn tính

Những bệnh nhân này thích nghi tốt với việc mang thai nếu không có suy thận, tuy nhiên cần cấy nước tiểu định kỳ (mỗi 2 dến 3 tuần), điều trị kháng sinh nếu cần.

4. Bệnh thận đa nang

Dung nạp rất tốt nếu không có suy thận. Trong thai kỳ các nang ở gan có thể tăng kích thước, tăng tỷ lệ bị tăng huyết áp và tiền sản giật.

thai6 Ảnh hưởng của bệnh thận đối với phụ nữ mang thai

5. Sỏi thận

Dung nạp tốt, ngoại trừ việc làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng đường tiểu. Sỏi có thể di chuyển do giãn đường niệu.

6. Thai nghén ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ

Với nhóm bệnh nhân này, mặc dù được theo dõi sát thì tai biến sản khoa vẫn rất cao, với nguy cơ tử vong cho mẹ và thai, phần lớn là sẩy thai và sinh non, nếu trẻ sinh ra được thì cũng có nguy cơ cao về phát triển tinh thần (Susan H Hou). Do vậy, vấn đề tiếp tục giữ thai hay không trên nhóm bệnh nhân này thường xuyên được đặt ra.

7. Thai nghén ở những bệnh nhân ghép thận

Đối với những phụ nữ bị suy thận mạn giai đoạn cuối thì việc ghép thận là phương pháp tốt nhất đem lại cho họ hy vọng sinh con. Tuy vậy, do những bệnh nhân này thường xuyên phải dùng các thuốc ức chế miễn dịch và Corticoides nên việc mang thai phải được theo dõi kỹ càng bởi các nhà Thận học.

 ĐIỀU TRỊ

  1.       Điều trị các bệnh thận – tiết niệu thường xảy ra trong thai kỳ

1.1. Điều trị nhiễm độc thai nghén – Tiền sản giật

– Nhập viện, theo dõi theo chuyên khoa sản phụ.

– Hạ huyết áp: Là vấn đề quan trọng nhất của điều trị tiền sản giật. Thường dùng loại giãn mạch hoặc Alpha methyldopa, tránh dùng thuốc lợi tiểu và các thuốc ức chế men chuyển.

– Magne Sulphate: là loại thuốc cổ điển trong sản giật, có tác dụng làm giảm tần suất các cơn co giật và dự phòng được các cơn co giật trong sản giật.

Cách dùng: Liều tải ban đầu là 4g đến 6g truyền tĩnh mạch trong vòng khoảng 15 phút, sau đó truyền tĩnh mạch 2g mỗi giờ để duy trì nồng độ Magne máu trong khoảng 4 đến 6 mmol/l. Những trường hợp nhẹ hơn, chưa có biểu hiện sản giật, có thể dùng đường tiêm bắp.

– Chấm dứt thai kỳ: là biện pháp cuối cùng.

Dự phòng: Khám thai định kỳ, theo dõi kỹ huyết áp, Protein niệu. Đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao thì phải thăm khám ít nhất 2 tuần 1 lần, sau đó nếu tình trạng nhiễm độc thai nghén vẫn còn thì phải nhập viện theo dõi trong những tháng sau của thai kỳ.

1.2. Điều trị nhiễm trùng đường tiểu trong thai kỳ

– Điều trị bệnh nhân có vi khuẩn niệu nhưng lâm sàng không có triệu chứng: dùng một đợt kháng sinh trong vòng 7 đến 10 ngày.

Điều trị viêm thận bể thận cấp

– Nhập viện.

– Dùng ngay kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch.

– Thường khởi đầu bằng Ampicilline hoặc Cephalosporine thế hệ 3 (Ceftriaxone, Cefotaxime,…).

– Khi tình trạng lâm sàng cải thiện, sau 1 đến 2 tuần có thể chuyển sang đường uống và phải điều trị tiếp tục kháng sinh ít nhất 2 dến 3 tuần nữa.

– Theo dõi về sau bằng cách cấy nước tiểu mỗi 2 đến 3 tuần để dự phòng tái phát.

1.3. Điều trị suy thận cấp trong thai kỳ

– Điều trị suy thận cấp trong thai kỳ về nguyên tắc không khác gì với điều trị suy thận cấp ngoài thai kỳ, bao gồm:

– Duy trì tốt huyết động đảm bảo tưới máu thận đầy đủ.

– Thuốc lợi tiểu: chú ý thận trọng trong những trường hợp huyết áp hạ.

– Điều chỉnh rối loạn điện giải và cân bằng toan kiềm.

– Lọc máu ngoài thận khi cần thiết: thường dùng thận nhân tạo vì thẩm phân phúc mạc không dùng được khi có thai.

– Kết hợp Nội – Sản khoa để giải quyết nguyên nhân (thai chết lưu, bong bánh nhau,…).

2. Thái độ xử trí trước một thai nghén xảy ra trên bệnh thận mạn tính

Dự phòng: khuyên bệnh nhân không nên mang thai đối với những bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính, đặc biệt là những bệnh nhân đã có suy thận mạn.

Dùng các phương pháp ngừa thai thông thường.

Thái độ điều trị trước 1 thai nghén đã xảy ra trên 1 bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính

– Theo dõi và điều trị tích cực tăng huyết áp, vì tăng huyết áp và mức độ suy thận tại thời điểm mang thai là hai yếu tố tiên lượng chính cho thai kỳ:

– Đối với bệnh nhân chưa có suy thận mạn: thai kỳ có thể xảy ra hoàn toàn bình thường, tuy nhiên bệnh nhân cần được theo dõi kỹ trong môi trường Sản – Nội khoa, cần chú ý rằng các thuốc đang được dùng dài ngày để điều trị bệnh thận như Corticoides, ức chế miễn dịch, thuốc điều trị đái tháo đường, một số thuốc điều trị tăng huyết áp có thể ảnh hưởng đến thai.

– Ở những bệnh nhân đã có suy thận mạn thì tuỳ thuộc vào mức độ suy thận, nhưng những bệnh nhân này thường không thể giữ được thai, nhất là khi suy thận mạn đã nặng. Ở những bệnh nhân đang được điều trị thận nhân tạo chu kỳ thì nguy cơ rất cao, cho nên không nên giữ thai.

– Đối với những bệnh nhân đã ghép thận

Đối với những phụ nữ bị suy thận mạn giai đoạn cuối thì việc ghép thận là phương pháp tốt nhất đem lại cho họ hy vọng sinh con. Tuy vậy, do những bệnh nhân này thường xuyên phải dùng các thuốc ức chế miễn dịch và Corticoides nên việc mang thai phải được theo dõi kỹ càng bởi các nhà Thận học.

Các tiêu chuẩn trước khi mang thai ở những bệnh nhân ghép thận:

– Thời gian sau ghép: 1,5 năm đối với ghép thận người sống, 2 năm đối với ghép thận người chết.

– Không có đợt thải ghép nào trong vòng ít nhất 6 tháng.

– Liều Prednisone < 15 mg/ ngày.

– Liều Azathioprine < 2 mg/kg.

– Liều Cyclosporine 2 – 4 mg/kg.

– Nồng độ Creatinine máu < 2 mg/dl.

– Huyết áp 140 / 90 mmHg (có thể đang dùng thuốc hạ huyết áp).

– Nồng độ HbA1C bình thường.

– Cấy nước tiểu âm tính.

Tóm lại, các bệnh nhân bị bệnh thận có thể mang thai và sinh con bình thường nếu chưa có suy thận và phải được kiểm soát huyết áp kỹ. Đối với những người bị suy thận thì nguy cơ của thai kỳ càng lớn nếu suy thận càng nặng. Đối với các bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, chỉ nên mang thai sau khi đã ghép thận và phải được đặt dưới sự theo dõi sát của các nhà thận học và sản khoa.

Theo Benh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *