Bệnh tâm phế mạn tính (TPMT) là trường hợp phì đại và giãn tâm thất phải thứ phát do tăng áp lực động mạch phổi (ALĐMP), gây nên bởi những bệnh làm tổn thương chức năng hoặc cấu trúc của phổi như các bệnh của phế quản, phổi, mạch máu, thần kinh và xương lồng ngực.
Định nghĩa này không bao gồm những trường hợp tăng áp lực động mạch phổi do bệnh tim trái (như hẹp van 2 lá), bệnh tim bẩm sinh.
Dịch tễ
Từ sau 50 tuổi, tâm phế mạn là bệnh tim mạch đứng hàng thứ ba thường gặp nhất sau bệnh tim thiếu máu và tăng huyết áp.
Những nước hút thuốc lá nhiều, ô nhiễm môi trường thì bệnh viêm phế quản mạn và giãn phế nang tần suất cao, tâm phế mạn tính chiếm 1/3 suy tim.
Ở Việt Nam: Nguyên nhân hay gây tâm phế mạn tính là viêm phế quản mạn tính và hen phế quản chiếm tỷ lệ 76,5%.
Cơ chế sinh bệnh
Tăng ALĐMP là trở lực chính làm tăng công của tim. Giảm oxy máu là rối loạn quan trọng nhất làm tăng ALĐMP. Phản ứng tăng tạo hồng cầu để bảo đảm sự vận chuyển oxy đầy đủ, nhưng làm tăng độ nhớt máu và góp phần làm tăng kháng lực mạch máu phổi dẫn đến tăng ALĐMP.Thiếu oxy mạn làm tăng sức cản mạch máu phổi do co thắt mạnh, phì đại tăng dần cơ trơn thành động mạch cũng gây tăng ALĐMP và tăng gánh nặng cho tim phải.
Tình trạng thiếu oxy, đa hồng cầu, tăng thể tích và tăng gánh cung lượng tim góp phần làm tăng công của tim, do đó gây phì đại thất phải, giãn thất phải và cuối cùng suy tim phải.
Triệu chứng và tiến triển của bệnh
Triệu chứng
Giai đoạn đầu: các triệu chứng của các bệnh gây ra TPMT
Triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: ho nhiều, khạc đờm, khó thở.
Triệu chứng của bệnh phổi hạn chế: lao xơ, dị dạng lồng ngực, xơ phổi, do cắt phổi.
Giai đoạn tăng áp lực động mạch phổi:
Triệu chứng:
– Khó thở khi gắng sức luôn luôn có. Ho, khạc đờm. Đau vùng gan: mơ hồ.
– Khám: móng tay khum. Nghe tim: tiếng T2 mạnh ở ổ van động mạch phổi.
Giai đoạn suy thất phải:
– Khó thở tăng dần: khó thở khi gắng sức .
– Đau vùng gan: cảm giác nặng hoặc căng vùng gan,
– Phù: phù chân, phù toàn thân, có khi cổ trướng.
– Tím: là dấu muộn, tím môi, có khi tím đen.
– Mắt lồi và đỏ do tăng mạch máu màng tiếp hợp như mắt ếch.
– Ngón tay dùi trống.
– Đái ít: lượng nước tiểu khoảng 200ml trong 24 giờ.
– Tim nhịp nhanh, có thể có loạn nhịp hoàn toàn, mỏm tim đập ở mũi ức.
– Gan to, phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính hoặc tĩnh mạch cổ nổi tự nhiên.
Tiến triển của bệnh
Tâm phế mạn tiến triển từ từ, gây tổn thương chức năng và cấu trúc của phổi dẫn đến suy hô hấp từng phần rồi suy hô hấp toàn bộ, suy tim phải và cuối cùng là suy tim toàn bộ. Ngày nay dù có nhiều phương pháp điều trị hiện đại, nhưng suy tim phải vẫn chiếm một tỷ lệ tử vong rất cao: 60 – 70% ở đợt suy tim phải lần đầu hay lần thứ hai.
Nếu bệnh nhân được theo dõi và điều trị tốt thì bệnh có thể ổn định, có thể từ 10 – 20 năm hoặc lâu hơn nữa mới có biến chứng suy tim, có trường hợp có thể chung sống với bệnh nhân suốt đời.
Nguyên nhân bệnh tâm phế mạn
Bệnh phế quản phổi có rối loạn thông khí tắc nghẽn: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân chính.
Bệnh phổi rối loạn thông khí hạn chế
– Bệnh phổi kẽ: bệnh sarcoidose, xơ phổi do hậu quả của lao xơ, những bệnh chất tạo keo như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì…
– Giãn phế quản lan tỏa.
– Bụi phổi: bệnh bụi amian, bụi silic….
Do giảm thông khí phế nang: nhược cơ, loạn dưỡng cơ, gù vẹo cột sống và béo phì, mổ cắt phổi, dầy dính màng phổi nặng.
Bệnh về mạch: viêm nút quanh động mạch, huyết khối , thuyên tắc động mạch phổi, tăng ALĐMP tiên phát.
Chẩn đoán xác định bệnh tâm phế mạn tính
Tiền sử về bệnh phổi mạn tính- bệnh cơ xương lồng ngực.
Hội chứng suy tim phải: đái ít, phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi.
X quang: cung ĐM phổi nổi, tim dài, thõng xuống. Giai đoạn cuối: tim to toàn bộ.
Siêu âm Doppler tim hoặc thăm dò huyết động xác định tăng ALĐMP và cung lượng tim.
Điện tâm đồ: trục phải, hình ảnh dày nhĩ phải, dày thất phải
Khí máu động mạch: PaO2 < 70 mmHg, PaCO2 > 40 mmHg,
Điều trị bệnh tâm phế mạn tính
Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi
Khi đã khó thở thì nên làm việc nhẹ, không gắng sức. Khi đã có suy tim phải nghỉ việc hoàn toàn.
Chế độ ăn ít muối: 1-2 g/ ngày, ăn đủ chất dinh dưỡng.
Oxy liệu pháp
Oxy liều thấp, dài hạn tại nhà ® giảm tỉ lệ tử vong, bệnh nhân sẽ thoải mái.
Thở oxy qua xông mũi, oxy được dẫn qua một bình làm ẩm, không nên thở oxy 100%.
Muốn có hiệu quả phải thở 18 giờ – 24 giờ/ ngày.
Kháng sinh: Điều trị trong đợt nhiễm trùng.
Corticoid: tuỳ theo từng bệnh lý cụ thể, thuốc xịt: beclomethasone (becotide), thuốc khí dùng: budesonide (pulmicort), thuốc viên: prednisolone, thuốc tiêm: methylprednison.
Thuốc giãn phế quản: điều trị các rối loạn thông khí tắc nghẽn. Điều trị đơn độc hay phổi hợp các nhóm thuốc giãn phế quản khác nhau, để cơn cắt cơn khó thở và thuốc để dự phòng khó thở. Ưu tiên các thuốc dạng xịt, hít, khí dùng . Cần sử dụng bình phun xịt, hít đúng cách để thuốc tới được phế quản nhỏ.
Điều trị suy tim: Thuốc lợi tiểu và trợ tim
– Thuốc lợi tiểu furocemide dùng trong đợt cấp và dùng ngắn ngày, không dùng dài ngày do thuốc có thể gây kiềm hoá máu.
– Thuốc trợ tim digitalis sử dụng phải thận trọng, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, chỉ điều trị trong suy tim còn bù trừ.
Không dùng thuốc
– Các thuốc an thần như morphin, gardenal vì sẽ ức chế trung tâm hô hấp, gây suy hô hấp.
– Không dùng thuốc giảm ho như terpin codein làm khô đờm, khó khạc ra gây khó thở.
Chích huyết: khi thấy độ quánh của máu tăng (hematocrit cao hơn 60%). Trích máu khoảng 300ml mỗi lần và kỹ thuật này phải tiến hành tại bệnh viện
Điều trị tâm phế mạn ở một số thể khác: Tâm phế mạn tính do xơ phổi thường không ứ trệ CO2: nên chỉ cần cho thở oxy và cho corticoid.
– Người béo bệu: cho ăn chế độ làm giảm cân và tập luyện.
– Người gù vẹo cột sống, dị dạng lồng ngực: cần tập thở,tiêm phòng vac xin chống bội nhễm phổi , có thể điều trị chỉnh hình từ sớm.
– Tắc mạch phổi: nghỉ ngơi tuyệt đối, dùng thuốc chống đông, trợ tim, thở oxy, có thể phầu thuật để lấy cục máu đông.
Tập thở, tập thể dục tránh teo cơ khi nằm lâu
Tập thở hoành (thở bụng): Rất quan trọng, làm tăng độ giãn nở của phổi và lồng ngực, tăng thông khí phế nang.
Phòng bệnh tâm phế mạn
Tránh các yếu tố nguy cơ như không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh tiếp xúc với khói bếp, bụi thường xuyên.
Khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm bệnh phế quản, phổi để điều trị kịp thời.
Khi có bệnh phổi mạn tính cần khám thường xuyên, tuân thủ y lệnh điều trị.
Tiêm vacxin phòng cúm, phòng phế cầu để tránh các đợt bội nhiễm.
Chế độ sinh hoạt hợp khoa học, tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn đủ chất, hợp lý sẽ mang lại sức khoẻ tốt có thể chống đỡ được bệnh tật.
Theo Benh