Bệnh thận đa nang

Là tình trạng hai thận có nhiều nang to nhỏ không đều ở vùng vỏ và vùng tủy. Nguyên nhân do di truyền gen trội nhiễm sắc thể thường (tổn thương nhánh ngắn của nhiễm sắc thể thứ 16) nhưng cũng có thể là bẩm sinh. 

Bệnh thận đa nang có tỷ lệ nam nữ ngang nhau, biểu hiện lâm sàng thường xuất hiện sau 30-40 tuổi. Cả 2 thận gồm rất nhiều nang, các nang kích thước không đều, từ 1-2cm đến 4 – 5cm hoặc to hơn nữa. Dịch trong nang thường đồng nhất, đôi khi có dịch máu hoặc dịch đục do bị bội nhiễm.

Bệnh thận đa nang ít khi phối hợp với 1 dị dạng ở các cơ quan khác.

Nhưng có khoảng 30% bệnh nhân có kèm theo gan đa nang, nang ở gan thường ít hơn và kích thước thường nhỏ hơn, ngoài ra còn gặp kết hợp với dị dạng phình mạch não, phình mạch chủ bụng, dị dạng ở tụy, lách…

1. Triệu chứng lâm sàng

Thường  không có triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân chỉ tình cờ phát hiện khi siêu âm kiểm tra sức khỏe. Có một số bênh trường hợp có các triệu chứng lâm sàng nhưng thường là khi thận đa nang có biến chứng:

–  Đau vùng thận 2 bên, đau âm ỉ, nặng tức

–  Đái máu do nhiễm trùng nang hoặc chảy máu thành nang hoặc do sỏi.

–  Nhiễm trùng đường tiểu ngược dòng gây đái buốt, đái rắt.

–  Tăng huyết áp thường xuất hiện khi có biến chứng như nhiễm trùng, sỏi thận, suy thận

–  Có thể sờ thấy thận to, bề mặt lổn nhổn, vùng hố lưng đầy.

than da nang Bệnh thận đa nang

2.  Cận lâm sàng

Ở giai đoạn sớm của bệnh các xét nghiệm thường không có gì biến đổi ở giai đoạn muộn hơn xét nghiệm nước tiểu có thể thấy hồng cầu, bạch cầu, protein niệu.

Khi chưa có suy thận xét nghiệm máu số lượng hồng cầu, hematocit có thể tăng do tăng tiết erythropoietin của nang, khi có suy thận thì các nhân có thể có thiếu máu nhưng tình trạng không nặng như ở các bệnh nhân suy thận khác, chức năng thận giảm.

Chẩn đoán xác định thận đa nang tương đối dễ, ngày nay siêu âm là phương tiện chẩn đoán hay dùng nhất, tuy nhiên có nhiều trường hợp khó, nhất là ở giai đoạn sớm đôi khi cần phải chụp CT để phát hiện những nang có kích thước nhỏ, không rõ ràng.

3- Các thể bệnh

Ngoài thể điển hình như đã mô tả ở trên bệnh thận đa nang còn có những thể bệnh khác như:

– Thể thận đa nang một bên do di truyền gen trội nhiễm sắc thể thường, đây là thể hiếm gặp, khó chẩn đoán, chỉ có sinh thiết thận mới chẩn đoán được thể bệnh này.

–  Thể phối hợp với gan đa nang, gặp khoảng 30-50% trường hợp, biểu hiện gan đa nang thường nhẹ và ít ảnh hưởng đến chức năng gan.

–  Thể phối hợp với phình động mạch: Nếu có phình mạch não thì tiên lượng nặng và dè dặt vì các biến chứng, tỷ lệ này gặp khoảng 10-20%, phình động mạch chủ bụng cũng có gặp nhưng tỷ lệ không cao.

–  Thể có tăng hồng cầu do tăng tiết erythropoietin.

4. Chẩn đoán phân biệt

–  Ứ nước thận 2 bên, do sỏi hoặc các nguyên nhân gây tắc nghẽn khác.

–  Thận thiểu sản có nhiều nang thường chỉ có nang ở 1 bên thận.

–  Thận suy mạn tính có nhiều nang nhất là trong trường hợp chạy thận nhân tạo chu kỳ.

5. Các biến chứng

–  Nhiễm trùng nang Là một biến chứng nặng, có thể gặp một nang hoặc nhiều nang bị nhiễm trùng nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng ngược dòng, bệnh nhân có thể sốt cao, đau vùng hông lưng, đái buốt, đái rắt, đái đục, xét nghiệm máu có bạch cầu tăng, xét nghiệm nước tiểu có bạch niệu, siêu âm thành nang dày, dịch trong nang đục, đôi khi thấy sỏi gây tắc nghẽn.

Tuy nhiên có những trường hợp không điển hình bệnh nhân có sốt nhẹ không có bạch cầu niệu đau âm ỉ vùng hông lưng, siêu âm có dịch nang đục, dày thành nang thì cũng chẩn đoán là nhiễm trùng nang.

– Đái máu và chảy máu thận: Nguyên nhân thuận lợi là do nhiễm trùng và sỏi, chảy máu thành nang có thể gây đái máu nhẹ, trung bình hoặc nặng, tuy nhiên cũng có thể không gây đái máu mà chỉ chảy máu khu trú trong nang, đôi khi chảy máu ra ngoài bao thận. Ngoài triệu chứng đái máu còn có các triệu chứng khác như đau vùng thận, thận to nhanh.

– Sỏi thận – tiết niệu: Có thể là sỏi uric hoặc các sỏi khác, sỏi thận – tiết niệu là một trong các nguyên nhân gây nặng bệnh, cần kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm và điều trị dự phòng.

-Tăng huyết áp: Cần điều trị như tăng huyết áp do các nguyên nhân khác, điều trị tăng huyết áp sớm, kịp thời để hạn chế suy thận.

– Suy thận: Có thể gặp suy thận chức năng hoặc suy thận mãn do các nang ngày một to dần gây ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận ngoài ra các biến chứng như sỏi nhiễm trùng, tăng huyết áp làuy thận có thể gặp sau 10-20 năm, tuy nhiên cũng có những bệnh nhân không bị suy thận.

6. Điều trị

Không có thuốc điều tri đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng và biến chứng

6.1- Điều trị triệu chứng đau

Đau vùng thận là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân thận đa nang. Tùy từng nguyên nhân đau mà có các phương pháp điều trị khác nhau

–  Điều trị bằng các thuốc giảm đau thông thường.

–  Những nang to, đường kính trên 5cm, có thể chỉ định chọc hút nang để giảm triệu chứng đau.

–  Ngoài ra các nguyên nhân khác cần được chẩn đoán thêm như: do sỏi, chảy máu trong nang hoặc ngoài bao thận, ung thư hóa…

6.2 – Điều trị đái máu hoặc chảy máu trong thận

Nếu chảy máu nhẹ có thể qua khỏi nhanh thì cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi tại giường, nếu chảy máu số lượng nhiều cần phải cấp cứu kịp thời.

6.3 – Điều trị nhiễm trùng

Nhiễm trùng nang là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh thận đa nang, có thể một hoặc nhiều nang bị nhiễm trùng, phải dùng kháng sinh toàn thân phối hợp, tốt nhất là dựa theo kháng sinh đồ, ngoài ra cần tìm nguyên nhân thuận lợi như sỏi gây tắc nghẽn.

6.4 – Điều trị tăng huyết áp

Cần phát hiện tăng huyết áp sớm và điều trị kịp thời vì tăng huyết áp sẽ làm sớm suy thận và thúc đẩy suy thận nặng lên.

6.5 – Điều trị sỏi thận, tiết niệu

Sỏi thận gặp khoảng 10-20% trường hợp và là nguyên nhân thuận lợi cho nhiễm trùng nang. Những sỏi trong nhu mô và  sỏi ở các nhóm đài thận thường không can thiệp ngoại khoa. Sỏi niệu quản gây tắc nghẽn, cần chỉ định ngoại khoa

6.6 – Điều trị suy thận

Điều trị bảo tồn hay thay thế tùy thuộc vào giai đoạn suy thận.

Theo Benh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *