Bệnh thoát vị đĩa đệm và cách chữa trị

Thoát vị đĩa đệm có thể do vận động quá mức hoặc có thể do đĩa đệm yếu đi theo tuổi tác. Đĩa đệm sẽ dần bị mất nước, co lại và đôi khi có thể bị rạn nứt. Bị bệnh thoát vị đĩa đệm không nên để lâu vì có thể gây chèn ép vào dây thần kinh. Khi bị chèn ép bệnh nhân sẽ bị tê tay chân, đau hoặc trong trường hợp xấu nhất bệnh nhân sẽ bị liệt. Dưới đây là một số thông tin về bệnh thoát vị đĩa đệm và cách chữa trị để bạn đọc có thể tham khảo.

Đĩa đệm cột sống là hình đĩa nằm giữa 2 đốt sống có tác dụng giống như bản lề giúp cho cột sống được vững chắc, đặc biệt là giúp cho cơ thể vận động đoạn cổ và thắt lưng.

Khi đĩa đệm bị thoát vị sẽ chèn vào rễ thần kinh trong tuỷ sống, ở cổ sẽ đau xuống vai tay, có thể tê xuống các ngón tay. Với thắt lưng sẽ đau xuống thần kinh toạ. Khi bị đau thần kinh toạ sẽ có dấu hiệu đau dọc theo mặt ngoài hoặc mặt sau của mông xuống chân, có thể đau một bên nếu thoát vị lệch về một bên, hoặc đau hai bên nếu thoát vị thể trung tâm.

dia dem Bệnh thoát vị đĩa đệm và cách chữa trị

Điều trị nội khoa

Chế độ vận động: trong thời kỳ cấp tính, bệnh nhân cần nằm nghỉ tại giường 1-2 tuần.

Điều trị vật lý: tia hồng ngoại, bó paraphin, chườm nóng bằng cám rang, muối rang hoặc ngải cứu.

Dùng dòng điện: sóng ngắn, điện xung, điện phân. Châm cứu giảm đau, tia lase

Dùng các thuốc giảm đau, chống viêm, vitamin nhóm B. Phong bế tại chỗ bằng novocain.

Phương pháp nắn chỉnh cột sống: kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Người thầy thuốc chỉ dùng tay để chữa bệnh.

Thể dục điều trị: sau thời gian cấp tính, cần tiến hành thể dục điều trị, nhằm cải thiện chức năng của các cơ giữ tư thế cho cột sống, hạn chế biến dạng cột sống, chống teo cơ.

Về điều trị bằng Đông y, người ta thường áp dụng các phương pháp xoa bóp, châm cứu, ấn huyệt, thủy châm. Xoa bóp có tác dụng giảm đau, chống co cứng và cải thiện chức năng các cơ cạnh cột sống. Trị bệnh bằng châm cứu được phát triển ở Trung Quốc từ 2-3 ngàn năm nay. Châm cứu kích thích tiết ra những chất hóa học tự nhiên có tác dụng giảm đau.

Phẫu thuật chỉ có chỉ định trong một số rất ít các trường hợp. Đó là khi điều trị nội khoa không đỡ sau 6 tháng, hay có một số biến chứng của bệnh như liệt và teo cơ, rối loạn cơ tròn. Phẫu thuật nhằm giải phóng rễ thần kinh khỏi bị chèn ép. Đó là các biện pháp cắt bỏ đĩa đệm qua da, mổ cắt cung sau, mổ lấy nhân thoát vị.

Nên tham khảo ý kiếm bác sĩ để áp dụng phương pháp điều trị thích hợp nhất.

Theo kienthucsuckhoe

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *