Những thông tin gần đây về việc một số đại lý bán gạo thường phun hóa chất diệt mối mọt để bảo quản gạo đã khiến nhiều người lo lắng. Dưới đây, các chuyên gia sẽ “mách nước” cho bạn cách chọn gạo tránh loại nhiễm hóa chất.
Không chỉ mới đây những thông tin về loại gạo “nhiễm hóa chất” khiến nhiều người lo ngại. Trước đó, thông tin Quỹ Vì người tiêu dùng Thái Lan đã phát hiện chất methyl bromide nguy hại có trong gạo khi thu thập ngẫu nhiên 46/36 mẫu gạo đóng gói tại các cửa hàng bán lẻ và siêu thị cũng dấy lên mối lo ngại về những loại gạo kém chất lượng.
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho rằng, nếu thực sự có việc sử dụng Methyl Bromide trong gạo thì chất này là chất siêu cực độc. Người dùng chỉ cần ăn một bát gạo có chứa chất này cũng có thể chết người. Đấy là thuốc xông hơi để bảo quản thóc giống, còn dùng để trộn gạo thì chính những người làm cũng gặp nguy hiểm vì phải tiếp xúc nhiều.
Còn theo các chuyên gia hóa học, Methyl bromide (CH3Br) ở thể khí không màu, không mùi vị, dễ tan trong nhiều dung môi hữu cơ và bản thân nó là chất dung môi của các chất mỡ, hắc ín, cao su… Methyl bromide khi chưa chuyển hóa đã có thể gây mê cơ thể sống, khi vào cơ thể chuyển hóa thành rượu Metylic gây độc, làm tê liệt hệ thần kinh.
Thêm một lần nữa người tiêu dùng lại hoang mang trước những thông tin gần đây một số đại lý gạo phun hóa chất diệt mối, mọt và diệt nấm vào gạo để bảo quản. Trao đổi về vấn đề này, một số chuyên gia hóa học cho rằng, việc gạo nhiễm chất hóa học diệt mối, mọt và diệt nấm khi đi vào cơ thể là vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên rất khó để xác định các loại hóa chất phun lên gạo gồm những loại hóa chất gì bởi thị trường hiện có nhiều hóa chất khác nhau. Đối với loại gạo ướp hương liệu tạo mùi thì nhận biết không khó. Chúng thường có độ bóng hơn bình thường và có mùi thơm gắt, không có hương thơm tự nhiên của gạo. Loại gạo này chỉ thơm mấy ngày đầu và khi nấu chín không còn mùi thơm do các hóa chất bị bay hơi khi gặp nhiệt độ cao.
Để tránh những loại gạo không đảm bảo chất lượng, theo giới xay sát gạo, mọi người nên chọn gạo mới. Khi chọn có thể vốc một nắm trên tay, nhìn cảm quan hạt gạo thường mẩy, đều, còn nguyên phôi trắng, ít hạt vỡ và có mùi thơm nồng tự nhiên thì thường là gạo mới và già hạt. Nếu gạo có mùi thơm không tự nhiên hoặc mùi hôi thường là loại gạo đã cũ hoặc có thể bị tẩm ướp hương nhân tạo. Ngoài ra, bạn có thể nhai thử. Gạo mới thường vị ngọt tự nhiên, cảm giác hơi dinh dính trong miệng.
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho hay, gạo sau khi xay sát ra thì dù bảo quản kiểu gì chăng nữa thì 7 ngày sau chất lượng chỉ bằng 30%. Gạo sẽ mất mùi thơm. Để lấy lại mùi thơm, họ thường dùng cây cơm nếp để ướp nhưng không có tác hại gì. Gạo ngon là gạo được phơi kỹ, già nắng, đều hạt, sóng hạt, mượt mà, trong đều và có mùi thơm tự nhiên. Có thể nhận biết gạo thơm bằng cách ngửi hoặc thông qua thương hiệu giống lúa thơm như bắc thơm, các giống ST…
Để tránh bị mọt đồng thời không làm giảm chất lượng gạo, người dân nếu có thóc để sẵn ở trong nhà không nên xát gạo nhiều, tốt nhất chỉ xát để ăn trong vòng 10 ngày, ăn hết lại xát tiếp. Ngay cả trường hợp mua lẻ ở các cửa hàng, đại lý gạo thì tốt nhất bạn cũng nên mua vừa phải, đảm bảo lượng gạo ăn trong thời gian ngắn. Như vậy sẽ không sợ gạo bị để lâu, ẩm mốc trong nhà vừa để đón mùa gạo mới. Đồng thời nên bảo quản gạo trong các lọ có nắp đậy kín, để nơi khô thoáng, tránh nhiệt độ cao vì có thể làm gạo giảm chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi chọn gạo không nên chọn loại được xát kỹ vì sẽ mất nhiều chất dinh dưỡng. Hạt gạo còn dính áo cám nấu lên sẽ ngọt và nhiều dưỡng chất hơn so với loại xay xát trắng bong. Khi nấu không vò quá kỹ để hạn chế trôi mất lớp áo cám. Tốt nhất, để có thể mua được gạo mới đảm bảo, bạn có thể nhờ người thân quen ở quê mua hộ hoặc nhờ những người bán hàng gạo quen lấy cho loại gạo mới. Nếu bạn mua gạo ở siêu thị hay các bao gạo đã đóng gói sẵn cần để ý đến ngày sản xuất. Ngày càng gần thì gạo càng mới.
Theo Giadinh