Do tỷ lệ tử vong đến 90% và đường lây truyền của bệnh rất rộng, trực tiếp từ người sang người, nên dù đã phát dịch ở Tây Phi, chưa xuất hiện tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế vẫn lưu ý khuyến cáo cộng đồng cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết Ebola.
Bệnh nguy hiểm
Tên của bệnh là sự hợp nhất giữa triệu chứng sốt có xuất huyết và nơi xuất hiện lần đầu là ngôi làng ven sông Ebola (Congo). Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra được chỗ trú ẩn của vi rút Ebola trong tự nhiên. Các nghiên cứu chỉ cho thấy dơi nhiễm vi rút vẫn sống mà không phát bệnh. Ngoài dơi, thì khỉ, tinh tinh, nhím… là các vật chủ tự nhiên của vi rút này.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, sốt xuất huyết do vi rút Ebola là bệnh lây lan nhanh, chưa có vắc-xin phòng bệnh, tỷ lệ tử vong cao. Đến nay, gần 900 người tại các nước Tây Phi đã tử vong do căn bệnh này. Đây là một trong những căn bệnh nguy hiểm có khả năng gây chết người nhiều nhất trên thế giới.
Bệnh lây trực tiếp qua tiếp xúc với máu, các dịch cơ thể và mô, xác người và động vật bệnh. Do đó, trong khi dịch xảy ra, nhóm đối tượng nguy cơ nhiễm cao bao gồm: nhân viên y tế, thân nhân bệnh nhân (BN) và những người tiếp xúc với thi thể BN.
Khi nhiễm bệnh, BN có các triệu chứng: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng… Tiếp theo là các triệu chứng: ói, tiêu chảy, sốt phát ban, có thể bị suy thận, suy gan. Bệnh được gọi là sốt xuất huyết vì có một số trường hợp bị chảy máu nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh từ 2 – 21 ngày. Điều cần biết là người bệnh có khả năng truyền bệnh ngay khi xuất hiện triệu chứng. Do đó, bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần đi khám ngay, thông báo cho cơ quan y tế gần nhất và được chăm sóc y tế nhằm giảm nguy cơ tử vong.
Phòng là chính
Bệnh hiện xảy ra ở Tây Phi nhưng nguy cơ vi rút Ebola du nhập vào Việt Nam là không nhỏ, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Điều cần quan tâm là bệnh chưa có thuốc đặc trị, chủ yếu là điều trị hỗ trợ. BN tiêu chảy, nôn ói sẽ được bù nước (đường uống và truyền tĩnh mạch), được hạ sốt khi bị sốt cao…
Mặc dù tỷ lệ tử vong cao, lây nhiễm nhanh, nhưng bệnh có thể dự phòng nếu tuân thủ các nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng nghiêm túc và đúng các phương tiện phòng hộ cá nhân như mang găng tay, mặc áo choàng, mang khẩu trang và kính bảo hộ. BN khi nhập viện phải được cách ly nghiêm ngặt để điều trị. Phải cẩn thận khi xử lý xác BN tử vong và hỏa táng ngay.
Cần nâng cao kiến thức phòng bệnh cho gia đình và người thân. Cụ thể, các đối tượng như đầu bếp, người chăm bệnh, nhân viên y tế, người tiếp xúc với xác chết động vật, BN, người đi rừng cần lưu ý:
– Không làm thịt, săn lùng và ăn thịt thú rừng, nhất là dơi, khỉ, nhím…
– Nếu đang ở vùng dịch hoặc từ vùng dịch về mà có các triệu chứng sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng, đau dạ dày, đỏ mắt, ói, tiêu chảy, sốt phát ban, cần đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Tránh tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh. Rửa tay bằng xà bông là biện pháp diệt trùng hiệu quả.
Bệnh sốt xuất huyết do Ebola lây lan nhanh, tuy nhiên, đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới chưa đưa ra các khuyến cáo về hạn chế đi lại và giao thương quốc tế. Nếu đi du lịch, bạn nên tránh những vùng có dịch, không dùng các món tiết canh, thịt thú rừng nhất là dơi, nhím…
Theo PhunuOnline