Trong quá trình phát triển, thai nhi nằm trong bọc ối với số lượng nước ối từ 500ml-1.500ml. Nước ối có nguồn gốc từ sự đào thải nước tiểu, từ phổi thai nhi hoặc dịch tiết từ hệ thống tuần hoàn của mẹ, từ nội sản mạc và dịch được khuếch tán qua dây rốn.
Nếu thai nhi chưa đủ tháng mà lượng nước ối lớn hơn 1.500ml là dư ối, nếu trên 2.000ml là đa ối. Đa ối có thể diễn biến từ từ (mạn tính) hoặc xuất hiện trong một thời gian ngắn (cấp tính), với các biểu hiện số đo vòng bụng (qua rốn) lớn hơn 100cm, bụng căng bóng, đau bụng, khó thở, ăn uống khó tiêu, giãn tĩnh mạch có khi dẫn đến mắc bệnh trĩ. Khi khám bệnh bác sĩ thấy tử cung to hơn dự kiến, sờ nắn khó xác định được thai và các phần của thai, khó nghe tim thai, thai bập bềnh dễ dàng. Cần phân biệt thai đa ối với các trường hợp chửa đa thai, chửa trứng, u nang buồng trứng hoặc bàng quang nhiều nước tiểu. Vì vậy khi có bất kỳ một dấu hiệu bất thường nào về thai nghén, cần phải đến bệnh viện có chuyên khoa sản để được khám và làm các xét nghiệm cần thiết.
Chẩn đoán phân biệt
Chửa trứng:
Gặp trong thời kỳ đầu của thai kỳ, bụng thường lớn nhanh hơn so với tuổi thai, có ra máu âm đạo tự nhiên, ít một. Định lượng thấy bhCG huyết thanh rất cao, siêu âm thấy hình ảnh tuyết rơi hay chùm nho, ruột bánh mỳ.
Song thai:
Bụng to nhanh đều trong thai kỳ, có nghén nhiều, thai máy nhiều chỗ, khám thấy nhiều cực, nhiều chi… Chẩn đoán loại trừ chính xác qua siêu âm.
Bụng báng:
Không có dấu hiệu thai nghén, có dấu sóng vỗ, gõ đục vùng thấp, bụng bè ngang, có tuần hoàn bàng hệ. Chẩn đoán gián biệt nhờ siêu âm.
Khối u buồng trứng:
Bệnh nhân thường không có biểu hiện của có thai và các triệu chứng nghén, bụng thường lớn dần, đôi khi có cảm giác tức nặng hay đau nhiều trong trường hợp có biến chứng.Khám lâm sàng và siêu âm giúp chẩn đoán phân biệt.
Bí tiểu cấp:
Bệnh nhân có cảm giác căng tức và xuất hiện bụng lớn nhanh mà trước đó không có. Khi nghi ngờ nên thông tiểu
Theo Benh