Trong phim ảnh, cứ nhân vật nào bị đau tim là người đó đột nhiên ôm lấy ngực mình đau đớn rồi đổ vật ra sàn bất tỉnh. Nhưng trong cuộc sống, người bị đau tim có biểu hiện thế nào và ngoài đau tim còn có chứng bệnh nào khác đột phát cực kỳ nguy hiểm?
Khi nhắc đến bệnh tim -một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới thì có 2 trường hợp cấp cứu y khoa liên quan đến trái tim cần điều trị ngay lập tức là cơn đau tim và ngừng tim.
Dấu hiệu và nguyên nhân
Cơn đau tim xảy ra khi động mạch dẫn đến tim bị tắc nghẽn đâu đó, làm giảm lưu lượng máu và oxy đến cơ tim. Nếu không điều trị kịp thời, cơ tim bắt đầu chết, khả năng gây tổn thương vĩnh viễn cho tim, thậm chí gây tử vong. Gặp cơn đau tim, người bệnh có thể vẫn đi và nói được, nhưng cũng có thể dẫn tới ngừng tim.
Việc xác định người nào bị đau tim không hề dễ và theo thống kê, trung bình người ta thường mất khoảng 6 tiếng mới được điều trị y tế kể từ khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của một cơn đau tim. Trong khi 85% số bệnh nhân đau tim thừa nhận là họ có thấy một số biểu hiện lạ nhưng có một số người khi lên cơn đau tim mà không có bất kỳ cảm giác đau đớn nào. Thông thường, các triệu chứng đau tim có thể bao gồm: đau, khó chịu hoặc tức ngực, đau hoặc khó chịu ở xương hàm, lưng, cổ, vai hoặc cánh tay, người yếu hẳn, đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn, chóng mặt, cảm thấy khó thở…
Ngừng tim thì khác, đây là sự cố mà toàn bộ việc bơm máu đi khắp cơ thể dừng lại đột ngột. Khi đó, não, phổi và các cơ quan quan trọng khác trở nên thiếu oxy, do đó bệnh nhân sớm mất ý thức và ngưng thở. Nếu không điều trị khẩn cấp, người bệnh có thể chết trong vòng vài phút. Hiện tượng ngừng tim thường xảy ra mà không có dấu hiệu cảnh báo, nếu ai đó bị ngừng tim, đột nhiên họ sẽ trở nên vô thức và kiểm tra không có dấu hiệu của hơi thở hay mạch đập.
Cả hai tình huống đau tim (một trong những dạng phổ biến nhất là nhồi máu cơ tim) và ngừng tim thường liên quan đến bệnh mạch vành tim. Như đã đề cập ở trên, khi một ai đó bị ngừng tim, thường là kết quả của một cơn đau tim. Bên cạnh đó, ngừng tim cũng có thể do đột quỵ thứ phát, do các loại bệnh tim mạch bao gồm loạn nhịp tim, dày cơ tim hoặc các vấn đề van tim, do hậu quả tai nạn hay chấn thương, chẳng hạn như sốc điện hoặc dùng thuốc quá liều.
Xử lý tình huống khẩn cấp
Cần phải gọi xe cấp cứu ngay lập tức nếu nghi ngờ ai đó gặp một cơn đau tim. Hãy ngồi hoặc nằm xuống trong khi chờ đợi bộ phận y tế đến, đừng tự mình đi xe đến bệnh viện.
Với trường hợp ngừng tim, mọi việc cấp bách hơn nhiều vì trong vòng 10 phút mà không có bất kỳ sự can thiệp nào, bệnh nhân sẽ chết. Gặp tình huống này, đầu tiên phải gọi cấp cứu y tế để được giúp đỡ; kiểm tra phản ứng xem người bệnh có thể trả lời được không; kiểm tra mạch đập, thường thì một người đã ngất đi mạch rất yếu nhưng sẽ mạnh lên sau khi đã nằm xuống khoảng 15-30 giây. Ngay lập tức, bắt đầu hô hấp nhân tạo liên tục cho đến khi có người đến giúp, quá trình hô hấp nhân tạo không bị gián đoạn sẽ tăng cơ hội sống sót. Tóm lại trong những phút quý giá để cứu sống bệnh nhân ngừng tim, cần phối hợp thổi ngạt, nhấn ép tim và sốc điện để hệ tuần hoàn hoạt động trở lại.
Người trẻ cũng không nên chủ quan
Thời gian gần đây, không hiếm các trường hợp đột tử do ngừng tim xảy ra đối với vận động viên khỏe mạnh, thanh niên và trẻ em, nguyên nhân là do các vấn đề tim mạch tiềm ẩn. Những trường hợp này rất hiếm nhưng khi xảy ra thì hậu quả khó lường cho nên các chuyên gia y tế khuyến nghị thanh niên, nhất là các vận động viên trẻ tuổi vẫn nên kiểm tra tim thông thường.
Theo Anninhthudo