Hạt mè (Hồ ma tử) có tác dụng ích khí, bổ trung, hoà ngũ tạng, chữa được chứng phong thấp, lở ngứa và hư lao.
Dầu mè (ma du) có tác dụng nhuận trường, giải độc, tiêu nhiệt kết, sát trùng, chữa lở ghẻ, ngoài ra còn có tác dụng thúc đẻ. Hạt mè bổ ngũ tạng, ích khí lực, dầy tuỷ não, bền gân cốt, sáng tai mắt, quên đói, sống lâu.
Lá mè nấu nước uống làm tăng tuổi thọ, nấu nước gội đầu giữ tóc đen mượt, da mặt tươi nhuận, còn dùng để chữa rong huyết. Liều dùng uống 20 – 30g ngày, nấu gội tăng gấp 3 – 4 lần. Hoa mè nấu với nước sạch đắp lên mắt làm mát mắt, dịu đau. Rễ cây mè dùng nấu nước gội đầu để giữ cho tóc đen mượt và lâu rụng. Sau đây là một số bài thuốc có sử dụng các bộ phận của cây mè.
– Chữa cao huyết áp, xơ cứng động mạch, táo bón: Mè đen, hà thủ ô, ngưu tất 3 vị bằng nhau, sấy khô, tán bột mịn, dùng mật làm viên bằng hạt bắp. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g trước bữa ăn.
– Nhức mỏi tay chân, đau lưng do phong thấp: Hạt mè sao thơm, tán nhỏ, ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 10 – 15g, với rượu hay nước gừng.
– Nướu răng bị sưng, nhức: Lấy 100g hạt mè nấu với 750ml nước, sắc còn 200ml, dùng để ngậm hồi lâu rồi súc miệng nhổ bỏ, ngậm nhiều lần trong ngày.
– Trẻ em bị xích lỵ, bạch lỵ: Lấy dầu mè 5 – 10g tuỳ tuổi, hoà với mật ong và nước sôi, cho uống lúc đói bụng.
– Mụn nhọt, đinh độc lở ngứa ngoài da: Lấy hoa cây mè (Hồ ma hoa) rửa sạch, đắp vào chỗ đau.
– Bị phỏng lửa hoặc nước sôi: Lấy vỏ hạt mè đốt tồn tính, nghiền mịn, hòa với dầu mè để bôi lên chỗ phỏng.
Theo Kienthuc