Hơi thở có mùi không chỉ làm bạn khó chịu, mà còn mất tự tin trong giao tiếp. Sau đây là 8 cách để tống khứ thứ mùi đáng ghét này
Hàng rào phòng thủ đầu tiên và dễ dàng nhất là chăm sóc răng miệng tốt. Lỗ sâu răng, răng sâu và bệnh viêm lợi có thể là những thủ phạm giấu mặt gây ra chứng hơi thở hôi. Hãy đánh răng 2 lần/ngày và súc miệng ít nhất 1 lần/ngày để loại bỏ mảng bám và vi khuẩn tích tụ trên răng và lợi của bạn.
Bạn nên thăm khám bác sĩ nha khoa 2 lần/năm để kiểm tra sức khoẻ răng miệng và lấy vôi răng.
Vệ sinh lưỡi
Bề mặt có nhiều thịt của lưỡi là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn có lợi sinh sôi nảy nở, nguyên nhân chiếm tỉ lệ cao trong các trường hợp bị hôi miệng. Tuy nhiên, hầu hết mọi người thường bỏ qua khu vực quan trọng này khi đánh răng.
Để đánh bật mảng bám cứng đầu trên lưỡi, hãy dùng bàn chải có lông mềm chải vài lần nhẹ nhàng từ cuống lưỡi xuống đầu lưỡi 1 lần/ngày.
Tuỳ thuộc vào cấu trúc lưỡi của từng người có nhiều gai hay ít gai, có thể bạn cần phải đầu tư mua một dụng cụ cạo lưỡi để vệ sinh lưỡi hiệu quả hơn. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nha khoa để tìm ra giải pháp tối ưu cho mình.
Tránh xa đường
Nhai kẹo cao su hay ngậm kẹo bạc hà có thể giúp xoá tan hơi thở có mùi. Tuy nhiên, nếu bạn dùng loại có đường thì bạn đang làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn. Vi khuẩn trong miệng có khuynh hướng lên men đường, từ đó sinh ra mùi vô cùng khó chịu.
Vì vậy, hãy trung thành với giải pháp không đường. Trong chế độ ăn uống hàng ngày, bạn cũng nên cắt giảm đường để loại bỏ tận gốc nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng.
Làm ẩm cuống họng
Nước bọt chứa nhiều enzyme bảo vệ quan trọng giúp tiêu diệt vi khuẩn xấu. Vì vậy, tình trạng khô miệng có thể làm cho hơi thở càng có mùi hôi hơn. Việc cung cấp nước giữ ẩm cho cơ thể sẽ kích thích tuyến nước bọt hoạt động và giữ cho miệng luôn ẩm ướt vừa đủ. Nếu bạn đã uống tới 8 ly nước/ngày mà vẫn cảm thấy khô khát, hãy kiểm tra thêm những vấn đề sau:
— Bạn có đang dùng một loại thuốc nào không? Khô miệng thường là tác dụng phụ của một số loại thuốc nhất định như thuốc chống dị ứng, chống trầm cảm, thuốc huyết áp…Hãy đề nghị bác sĩ nha khoa giới thiệu cho bạn những sản phẩm như kem đánh răng và nước súc miêng đặc biệt dành riêng cho người bị khô miệng.
—Bạn đặc biệt khô miệng vào buổi sáng? Đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã thở bằng miệng suốt đêm trước vì chứng ngưng thở khi ngủ, nghiến răng hay viêm xoang. Hãy đi khám bác sĩ và khắc phục những vấn đề này càng sớm càng tốt.
Thay đổi chế độ ăn uống
Chế độ ăn giàu đạm, ít năng lượng (hay còn gọi là chế độ ăn kiêng ketosis) có thể là nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng. Trong chế độ ăn này, cơ thể sẽ đốt cháy mỡ dự trữ để sản sinh năng lượng. Khi chất béo bị đốt cháy, các hoá chất được gọi là ketone sẽ tích tụ trong cơ thể và được thải ra thông qua hơi thở. Vì đây là vấn đề chuyển hoá bắt nguồn từ dạ dày thay vì từ miệng cho nên bạn cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống của mình cho phù hợp.
Uống trà
Uống trà có thể giúp chống lại chứng hôi miệng. Hợp chất polyphenols có trong trà đen và trà xanh có thể ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây ra hôi miệng, cũng như những hợp chất làm hơi thở có mùi do vi khuẩn này sản sinh ra.
Sử dụng gia vị cay
Bạch đậu khấu là loại gia vị cay có đặc tính kháng vi khuẩn và thường được dùng làm sản phẩm thơm miệng tự nhiên. Trong bạch đậu khấu có chất cineole, một hợp chất khử trùng mạnh tiêu diệt vi khuẩn và làm giảm bớt chứng hôi miệng. Hãy nhai vài miếng quế thay vì dùng kẹo cao su.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng hạt mùi (thì là) vì loại thảo mộc này cũng có công dụng trị hôi miệng.
Đi khám bác sĩ
Nếu bạn đã chăm sóc răng miệng rất cẩn thận và đã thử tất cả mọi biện pháp trên mà hơi thở vẫn không cải thiện thì đã đến lúc bạn cần phải đi gặp bác sĩ.
Hơi thở có mùi kéo dài kinh niên có thể là triệu chứng của nhiều chứng bệnh âm thầm giấu mặt như tiểu đường, viêm xoang cấp, hội chứng chảy dịch mũi sau, rối loạn tiêu hoá, bệnh gan hoặc bệnh thận.
Theo suckhoedoisong