Có thể phần lớn các bạn sẽ bỏ qua điều cuối cùng. Nhưng bạn có biết đó lại là phần quan trọng nhất?
Là một cô gái hiện đại, bạn đã nghe nhiều, biết rõ. Thậm chí, nhiều bạn từng tham gia tuyên truyền và phát “áo mưa” nên rành sự lợi hại của “vũ khí” rồi. Rõ ràng, ngoài công dụng tránh thai, “anh bạn” này còn bảo vệ bạn khỏi những căn bệnh đáng sợ lây qua đường tình dục.
Vậy tại sao, khi tìm được một nửa của mình, bạn sẵn sàng vứt “anh bạn” ấy đi? Nguy cơ lây bệnh không phụ thuộc vào thời gian quen nhau, hay độ khăng khít của hai bạn đâu. Khi “yêu”, bạn muốn bay lên miền hạnh phúc. Thế nhưng, sau khi hạ cánh, chưa chắc hai bạn được an toàn.
Con số thống kê cho bạn70% các cặp đôi tham gia cuộc khảo sát trả lời: có thể trò chuyện thẳng thắn với nhau về việc xét nghiệm các căn bệnh lây qua đường tình dục là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ sẽ kéo dài bền vững.
Thế nhưng, thực tế chỉ có 1 trong số 5 cặp đôi sẽ làm điều đó trước khi vứt “áo mưa” sang bên để “lâm trận”. Có đến 3/4 số người ở độ tuổi từ 18 đến 30 không biết gì về lịch sử “chăn gối” của người yêu trước khi viết tiếp vào “chuyện tình nhiều tập” đó. Thế thì làm sao biết chàng của bạn có dính virus gây bệnh hay không.
Hà Giang, 30 tuổi, nhân viên văn phòng, khi quyết định góp gạo thổi cơm chung với người yêu đã đồng ý cùng chàng “yêu chân thật”. Nàng tuyệt nhiên không hề nghĩ đến nguy cơ lây bệnh, dù chàng thú nhận đã từng “vui vẻ” với trên dưới 30 cô. Giang nói: “Khi quyết định không dùng bao cao su, tôi cho rằng mình cần có lòng tin vào anh ấy”.
Thế nhưng, sự đời chẳng như dự tính. Cô bị lây bệnh mụn rộp từ anh chàng đào hoa của mình. Thật kinh khủng khi phải mang virus bệnh suốt đời. Thế nhưng, đã quá muộn để nói lời hối tiếc!
Hãy nói đi, đừng ngại ngùng!
Ngay khi bạn và anh ấy trông hoàn toàn bình thường, cũng chưa chắc không có “đồng chí” virus mầm bệnh nào đang đóng quân trong cơ thể.
“Lý lịch sức khỏe tình dục” chẳng phải là đề tài lãng mạn. Phần lớn các cặp đôi thường lảng tránh hoặc cho rằng mắc bệnh lây qua đường tình dục là chuyện của ai khác, chứ không thể xảy ra với hai người đang yêu nhau say đắm.
Tuy nhiên, bạn là cô gái hiểu biết và quan tâm đến sức khỏe của bản thân, hãy mạnh dạn chia sẻ với chàng để cả hai cùng kiểm tra trước khi “đi chân trần” nhé.
Bật mí với bạn một thông tin quan trọng: Phần lớn căn bệnh lây qua đường tình dục sẽ được trị dứt điểm nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, những bệnh như viêm gan B, C và HIV thì đúng là “sát thủ”.
An toàn là trên hết!
Kiểm tra một lần chưa đủ an tâm và an toàn. Một số bệnh không có dấu hiệu ngay sau khi bạn nhiễm. Vì thế, cả hai bạn cần kiểm tra lại sau lần đầu khoảng ba tháng. Và sau đó, kiểm tra định kỳ mỗi lần sáu tháng hoặc ít nhất là sau mỗi năm.
Bạn Thúy Oanh, 25 tuổi, nhân viên kinh doanh, đã nhận “quà tặng kèm không mong muốn” từ người yêu vì chỉ kiểm tra chàng một lần. Anh ấy đã giấu nhẹm chuyện tình một đêm sau khi làm xét nghiệm. Cô nàng chỉ biết ngậm ngùi khi anh ấy bắt đầu có dấu hiệu bị nhiễm vi khuẩn chlamydia.
Nhớ nhé, ngay khi bạn và anh ấy trông hoàn toàn bình thường, cũng chưa chắc không có “đồng chí” virus mầm bệnh nào đang đóng quân trong cơ thể.
Những kẻ giấu mặt nguy hiểm
Phòng trường hợp “địch ở trong tối, ta ở ngoài sáng”, bác sĩ chuyên về sản phụ khoa La Hằng cảnh báo: “Một số căn bệnh lây qua đường tình dục không biểu hiện ra bên ngoài, tức là vi khuẩn “ẩn nấp âm thầm” trong cơ thể nhiều năm. Cũng không có cách nào để biết được chúng nhiễm vào cơ thể khi nào. Bạn có thể lây bệnh dù chỉ một lần trong đời “lỡ ăn bánh” mà không dùng bao cao su”.
Hơn 50% đàn ông và 70% phụ nữ bị nhiễm vi khuẩn chlamydia không có biểu hiện ra bên ngoài. Trong 10 đàn ông mắc bệnh lậu, một người không có dấu hiệu nhận biết. Trong khi, cả hai loại này đều có thể gây vô sinh.
Bạn cũng có thể bị “dính” bệnh mụn rộp khi căn bệnh này chưa “phát lộ” ở anh ấy. Vì thế, nếu chỉ kiểm tra bằng mắt mà thấy chàng không sao, bạn cũng đừng “liều mình”.
Nhiều cô gái “thoáng” trong suy nghĩ về tình dục nhưng thường ngại ngần khi cần trao đổi với đối phương về sức khỏe tình dục. Cần thay đổi quan niệm này ngay!
Bác sĩ La Hằng cho biết: “Khám phụ khoa tổng quát gồm tham vấn bác sĩ, khám bên ngoài, khám âm đạo, tử cung, chỉ mất từ 5 đến 10 phút. Nếu cẩn thận, bạn làm thêm các xét nghiệm dịch âm đạo, nước tiểu, máu, tế bào cổ tử cung… để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh”.
Không có việc gì khó!
Các bạn có thể nói với nhau từ A đến Z chuyện “yêu” kiểu gì, ra sao, song lại ngại đề nghị “chúng mình đi khám và làm xét nghiệm đi”. Đặc biệt với cánh mày râu, việc đi khám nam khoa càng là chuyện… ở bên Tây, không phải chuyện “của tui”.
Trước câu hỏi: “Giữa chàng trai chỉ yêu và quan hệ với vài ba cô với một chàng Don Juan dày dạn tình trường, chàng nào có nhiều nguy cơ mang bệnh lây qua đường tình dục hơn?”, bác sĩ Nguyễn Hồ Vĩnh Phước, khoa Nam học, bệnh viện Bình Dân, TP.HCM, trả lời: “Thật ra, cả hai chàng đều có nguy cơ như nhau. Ta không thể đoán định sức khỏe tình dục dựa trên số lần và số phụ nữ anh ta từng quan hệ tình dục. Bệnh lây qua đường tình dục không chừa một ai. Tốt nhất mỗi chàng nên có ý thức bảo vệ cho mình và bạn gái”.
Quy trình khám nam khoa và xét nghiệm các bệnh qua đường tình dục khá đơn giản. Bác sĩ sẽ hỏi và ghi nhận những chi tiết có liên quan đến khả năng sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tiếp theo, các chàng sẽ được khám cơ quan sinh dục ngoài. Nếu không có những tình tiết “lắt léo”, giai đoạn này không quá 5 phút. Các chàng được đề nghị thực hiện một số xét nghiệm cần thiết. Cuối cùng, bạn cần gặp lại bác sĩ để được tư vấn về kết quả nhận được”. Để bảo vệ chàng và chính bạn, đừng quên rủ chàng khám sức khỏe trước khi bỏ “áo mưa”.
Theo Kienthucsuckhoe