Đây là loại tai biến hay gặp nhất trong sản khoa, thường do vi khuẩn ở bộ phận sinh dục gây nên. Trước đây, cứ 10 sản phụ gặp tai biến này thì một tử vong. Tỷ lệ này hiện đã giảm còn 0,3% nhờ phân lập được vi khuẩn gây bệnh và dùng kháng sinh.
Hiện nay, nhờ áp dụng các phương pháp vô khuẩn và khử khuẩn trong ca sinh nở nên tỷ lệ nhiễm khuẩn giảm hẳn so với trước. Tuy vậy, tình trạng nhiễm khuẩn sau sinh vẫn còn khá phổ biến. Tác nhân gây bệnh thường là liên cầu, tụ cầu, trực khuẩn, các khuẩn yếm khí… Chúng có ở môi trường xung quanh, trên các đồ vật, ở trong không khí, trong nước hay trên cơ thể những người bị mụn nhọt, viêm họng; khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ xâm nhập cơ thể sản phụ.
Những yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn khác là các sản phụ không giữ gìn vệ sinh khi thai nghén, sức khỏe yếu, thiếu máu, nhiễm độc thai nghén, bế sản dịch, sót rau…
Vi khuẩn từ không khí, dụng cụ đỡ đẻ, quần áo sản phụ hay ở tay người hộ sinh đưa vào bộ phận sinh dục của sản phụ khi thăm khám, đỡ đẻ hoặc bóc rau. Từ đó, chúng xâm nhập các tổn thương sây sát ở âm đạo, âm hộ hay vùng rau bám ở tử cung. Mức độ nhiễm khuẩn nặng nhẹ tùy vào sức khỏe bệnh nhân, loại vi khuẩn (tụ cầu vàng có độc tính cao hơn; vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm và khó điều trị hơn), thời điểm phát hiện, điều kiện chăm sóc và điều trị.
Các trường hợp nhiễm khuẩn ở tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo, cổ tử cung… rất hay gặp nhưng diễn biến nhẹ. Nhiễm khuẩn ở tử cung ít gặp hơn nhưng thường diễn biến nặng. Còn chứng viêm phúc mạc toàn bộ rất nguy hiểm, phải điều trị bằng phẫu thuật. Viêm tắc tĩnh mạch chi làm cho chân bị phù và đau; viêm tĩnh mạch có thể gây tử vong đột ngột. Một số ít trường hợp bị nhiễm khuẩn máu, diễn biến rất nặng và khó điều trị, tỷ lệ tử vong cao. Các ca nhiễm khuẩn tử cung nếu không được phát hiện và điều trị chu đáo sẽ dẫn đến hình thái nặng hơn như viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn máu.
Các dấu hiệu nhận biết nhiễm khuẩn sau đẻ
Bình thường sau khi sinh, sản phụ cảm thấy dễ chịu, khoan khoái, tử cung thu hồi bé dần, sản dịch ra ít dần, đến ngày thứ 20 thì hết. Nhưng nếu sau khi đẻ khoảng 3 – 4 ngày, sản phụ thấy khó chịu, nhiệt độ tăng lên 38 – 39 độ C, tử cung không co hồi, sản dịch bị ứ lại và có mùi hôi, ấn vào vùng tử cung thấy đau nhiều thì chứng tỏ sản phụ đã bị nhiễm khuẩn sau đẻ.
Nếu không được điều trị chu đáo, bệnh sẽ diễn biến nặng lên, có thể biến chứng viêm phúc mạc hoặc nhiễm khuẩn máu, rất nguy hiểm cho sản phụ. Muốn điều trị có hiệu quả, sản phụ phải được theo dõi và phát hiện bệnh sớm.
Muốn tránh tai biến nhiễm khuẩn sau đẻ, chủ yếu là phải phòng ngừa trước. Phải giữ vệ sinh trong thời kỳ thai nghén, nhất là những ngày gần đẻ; không tắm hay ngâm mình dưới ao hồ, nước bẩn. Nếu bị nhiễm khuẩn ngoài da, mụn nhọt thì phải đến cơ sở y tế để chữa. Chỉ xuất viện về nhà khi thật ổn định (không có dấu hiệu nhiễm khuẩn), sau đó vẫn cần được cán bộ y tế theo dõi trong 1 tuần. Hằng ngày, sản phụ phải rửa bộ phận sinh dục ngoài bằng nước sạch và thay băng vệ sinh ít nhất 3-4 lần.
Nếu phát hiện thấy những triệu chứng bất thường, phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Nếu có chẩn đoán nhiễm khuẩn thì phải điều trị bằng kháng sinh.
Theo Suckhoedoisong