Sốt là khi nhiệt độ trên 37oC. Sốt là một triệu trứng rất phổ biến, là phản ứng của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh. Nó là triệu chứng của rất nhiều bệnh khác nhau.
Vì vậy chẩn đoán sốt cần phải có một ý niệm tổng hợp các triệu chứng phối hợp với các xét nghiệm cần thiết để tìm nguyên nhân và xử trí. Tránh cho thuốc kháng sinh nhất loạt một cách mơ hồ, nếu chúng ta chưa tìm nguyên ra nhân của sốt. Vì như thế không những lãng phí kháng sinh, mà còn có thể làm che lấp các triệu chứng gây khó khăn trong quá trình tìm ra nguyên nhân để điều trị.
1. Cảm, cúm:
Cảm, cúm là hai bệnh riêng biệt, nhưng có nhiều triệu chứng giống nhau là sốt, ho, sổ mũi, nhức mình mẩy, mệt mỏi, trong đó ho và sổ mũi là triệu chứng bắt buộc phải có.
Cảm, cúm đều do siêu vi trùng (virus) gây nên và sẽ tự nhiên khỏi sau từ 3 – 7 ngày. Các thuốc trị cảm, cúm thật ra chỉ chữa được những triệu chứng khó chịu như sốt, ho, sổ mũi chứ không diệt được siêu vi gây bệnh. Một số người lại thích dùng Tifomycine để trị cảm, cúm thật là nguy hiểm vì thuốc này có thể gây suy tụy, thiếu máu không phục hồi được nữa. Hai bệnh này phân biệt thật dễ dàng: cảm thường xảy ra khi cơ thể bị nhiễm lạnh, mưa, nóng đột ngột và không lây. Trái lại, bệnh cúm rất hay lây thành dịch, thường cơ thể không tự đề kháng được.
2. Viêm họng:
Người lớn hay trẻ nhỏ khi sốt cao cũng cần khám họng, nhất là sốt cao đột ngột. Nhìn vào họng sẽ thấy hai cục thịt dư sưng to, đỏ, lấm tấm trắng. Nếu có màn trắng dính chặt trên đó phải nghĩ đến bệnh bạch hầu và cần đưa đến bệnh viện cấp cứu. Khi có sổ mũi kèm thêm thì đó là bệnh viêm họng do siêu vi, không cần dùng đến kháng sinh, chỉ ngậm kẹo bạc hà, súc miệng bằng nước sát trùng. Không nên dùng Ampicilline để trị viêm họng chỉ phí tiền không đáng.
3. Ban đỏ (sởi):
Ban đỏ cũng là một bệnh rất hay gặp ở trẻ em, nhưng khác với sốt xuất huyết là khi trẻ bị ban đỏ, sốt cao liên miên, kèm với ho và sổ mũi, mắt lem nhem. Khám miệng thấy hai mặt trong của má có những hạt trắng nhỏ như hạt gạo (dấu hiệu Koplick) thì có thể chắc chắn trẻ sẽ ra ban. Bệnh này do siêu vi, rất lây và cũng tự nhiên khỏi sau một tuần lễ.
Thuốc kháng sinh không diệt được siêu vi ban đỏ nhưng ngừa được những biến chứng nguy hiểm của bệnh ban đỏ là viêm tai giữa, phế quản, phế viêm, viêm phổi… Trẻ chỉ hết sốt hẳn sau khi ban nổi khắp người, ra ban vẫn còn sốt là ban đỏ có biến chứng chứ không phải lậm ban.
Cần lưu ý nếu trẻ bị mắc bệnh ban đỏ thì sau 4 ngày, trẻ sẽ ra ban dù có uống thuốc hạ sốt hay không, còn nếu trẻ không nổi ban thì trẻ mắc bệnh khác chứ không phải ban lậm vào như dân gian thường hay hiểu lầm. Nay có thuốc ngừa bệnh sởi, cha mẹ cần chích ngừa cho trẻ.
4. Sốt xuất huyết (SXH):
SXH là một bệnh thường gặp trong mùa mưa, nguy hiểm cho trẻ dưới 15 tuổi, dễ nhận ra bởi ba dấu hiệu sau đây: sốt, đau bụng, gan to và đau. Gan to đau biết được bằng cách sờ dưới hạ sườn, phải có một khối, ấn tới đau. Cần suy nghĩ ngay đến bệnh SXH khi sốt liên miên, uống thuốc hạ sốt bớt rồi lại sốt, không có ho, không sổ mũi, đặc biệt là đau bụng. Nhưng nếu đau bụng mà không sốt thì không phải là SXH mà có thể là đau bụng.
Thử máu trong SXH thì thấy tiểu cầu xuống dưới 150.000/mm3, thời gian máu chảy (TS), máu đông (TC) kéo dài ra, dung tích huyết cầu (hématocrite) tăng cao trên 42% do máu cô đặc. Bệnh này cũng do siêu vi, cũng tự hết sau một tuần. Điều nguy hiểm là bệnh nhân có thể trở nên nặng từ ngày thứ 3 – 5, với biến chứng trụy mạch hoặc xuất huyết tiêu hóa (ói và tiêu ra máu). Bệnh này không có thuốc nào diệt được siêu vi nhưng dịch truyền sử dụng đúng mức làm giảm tử vong đáng kể.
Viêm ruột hoại tử do vi khuẩn khác với SXH ở đau bụng, sốt không liên miên, gan không to, không đau và đi cầu phân màu nước rửa thịt.
5. Viêm phổi, phế quản phế viêm và các bệnh đường hô hấp:
a. Viêm phổi: Các triệu chứng bao gồm ho, khó thở, khạc đàm đặc và đôi khi đau ngực. Bệnh nhân sốt cao, ho nhiều, đau ngực, khó thở, khám phổi thấy ran nổ một bên, chụp hình Xquang phổi thấy một vùng phổi bị mờ, thử máu bạch cầu trong máu gia tăng khá cao trên 10.000/m3.
Những người có hút thuốc nên ngừng thuốc ngay lập tức. Sốt gây đổ mồ hôi đêm và xuất hiện máu trong đàm đôi khi có thể gợi ý đến bệnh lao. Bất kỳ ai có những triệu chứng trên đều cần phải đến bệnh viện.
b. Phế quản phế viêm:
Thường gặp nhất ở trẻ em, khó thở nhiều (cánh mũi phập phồng), sốt cao, bác sĩ khám nghe ran nổ hai bên phổi, chụp hình xquang phổi có mờ rải rác nhiều nơi hai bên phổi, bạch cầu trong máu tăng cao.
Ho, sốt nhẹ hay không sốt, không khó thở phân biệt với các bệnh hô hấp nhẹ hơn:
c. Viêm khí quản:
Thường không sổ mũi, không sốt, ho nhiều, bác sĩ khám phổi không nghe ran.
d. Viêm thanh quản:
Người bị viêm thanh quản thường bị khàn tiếng hay tắt tiếng.
e. Viêm phế quản:
Ho nhiều, nhưng không sốt, không khó thở, bác sĩ khám nghe được ran ẩm ở phổi. Thử máu thấy lượng bạch cầu không tăng, chụp phổi hoàn toàn bình thường. Riêng có bệnh viêm phế quản thể hen, bác sĩ nghe được ran rít, bệnh nhân khó thở ra về đêm.
6. Thương hàn:
Triệu chứng chính của bệnh này là chỉ có sốt lâu ngày mà không có ho và sổ mũi. Sốt trong bệnh này có điểm đặc biệt là sáng mát, chiều nóng, ngày một tăng dần. Sau một tuần, sốt lên đến 40oC, nhưng mạch lại rất chậm 80 – 90 lần/phút thay vì 120 lần/phút như trong những bệnh nhiễm trùng khác. Trẻ lớn thường than nhức đầu, buồn nôn, tiêu chảy. Nếu sờ tới vùng hố chậu phải của bụng, nghe tiếng ọt ọt rất đặc biệt. Khi thử máu, bạch cầu không tăng, chỉ từ 6.000 – 8.000/m3, sang tuần thứ hai, thử Widal test dương tính trên 1/100 là chắc chắn bệnh nhân đã mắc bệnh thương hàn.
Hiện nay, điều đáng phiền là các chủng vi khuẩn thương hàn đã kháng với Tifo. Bactrim, Ampicilline nên không còn dùng trong điều trị thương hàn. Thuốc mới là Noroxine 400mg, đắt tiền, ngày uống 2 viên trong 14 ngày mới tránh tái phát và biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh này là lủng ruột.
7. Sốt do u:
Ung thư có thể gây sốt bằng nhiều cách khác nhau. Đôi khi chính khối u sản xuất ra pyrogen tự gây sốt. Một số khối u có thể bị nhiễm trùng. Những khối u ở não có thể ngăn không cho hạ đồi điều hòa nhiệt độ của cơ thể. Nhiều loại thuốc mà bệnh nhân ung thư đang sử dụng có thể gây sốt. Và cuối cùng, hệ miễn dịch ở bệnh nhân bị ung thư có thể yếu đi nên cơ thể giảm khả năng chống đỡ lại với nhiều loại nhiễm trùng
8. Sốt rét:
Sốt rét nhiều khi nhận ra dễ dàng vì người run lập cập, đắp bao nhiêu chăn vẫnn thấy lạnh, sau đó sốt cao độ và cuối cùng vã mồ hôi, nhưng lại khó nhận ra ở những người sốt liên miên, sốt đi sốt lại. Lưu ý nếu ngày đầu đột nhiên sốt cao đến 40oC thì nên nghĩ đến bị sốt rét hơn là thương hàn. Những yếu tố phụ có giá trị chẩn đoán sốt rét là tiền sử bị sốt rét, điều trị không đủ ngày và có qua vùng dịch tễ sốt rét. Khi nhìn phía góc trong của mắt ánh hơi vàng, lưỡng đóng bợn vàng ở giữa rất đặc biệt. Dấu hiệu lách to chứng tỏ bệnh nhân trước đây có bị sốt rét nhiều lần, nhưng không phải là sốt rét hiện tại.
Thử máu để tìm ký sinh trùng sốt rét phải thử nhiều lần trong ngày, nhất là lúc lên cơn sốt. Bạch cầu trong máu thường bình thường trong sốt rét, chỉ tăng cao trong sốt rét đái huyết sắc tố (sốt rét huyết niệu). Sốt rét ác tính là những thể nặng nhất của sốt rét, nếu trễ dù có cấp cứu tích cực vẫn còn gây tử vong rất cao. Tất cả những người hôn mê, sốt đang ở vùng dịch tễ sốt rét thì phải nghĩ ngay đến sốt rét ác tính.
8. Côn trùng cắn:
Vết côn trùng cắn là nguyên nhân gây nhiễm trùng thường gặp ở một số nước. Sốt rét là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể xảy ra sau khi bị muỗi cắn. Khi bị cắn, người bệnh sẽ bị sốt và khỏi sau mỗi vài ngày. Cần phải được xét nghiệm máu để chẩn đoán. Ở một số khu vực dịch tễ, khi đi du lịch bạn cần phải mang theo thuốc phòng sốt rét. Bệnh Lyme bị lây nhiễm qua vết cắn của ve. Bất kỳ trường hợp nhiễm trùng nào do côn trùng cắn cũng cần phải được đưa đến bác sĩ.
9. Sốt do thuốc:
Nếu cơn sốt xuất hiện sau khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới và không tìm thấy một nguyên nhân gây sốt nào khác thì đó có thể là sốt thuốc. Cơn sốt có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào sau khi bắt đầu dùng thuốc và có thể hết sau khi ngưng thuốc.
- Kháng sinh thường gây sốt sau một tuần điều trị
- Một số thuốc tim mạch và chống tai biến có thể gây sốt sau vài tháng điều trị.
- Cơn sốt có thể xuất hiện tức thời do phản ứng dị ứng với thuốc hoặc do chất bảo quản chứa trong thuốc.
- Dùng quá nhiều aspirin và hormon giáp có thể làm tăng chuyển hóa và gây sốt.
- Thuốc kháng sinh Histamin, một số thuốc chống trầm cảm và các thuốc an thần giảm đau có thể ngăn không cho thoát nhiệt ra ngoài cơ thể.
- Cocaine và amphetamine cũng có thể làm tăng hoạt động cơ và gây sốt.
10. Viêm màng não:
Bệnh này vô cùng nguy hiểm ở trẻ em, cần chẩn đoán ra thật sớm, điều trị ngay mới tránh được các di chứng về sau này như mù mắt, điếc tai, tâm thần…Khi trẻ sốt, nhức đầu, ói mửa, chúng ta thử gập cổ trẻ vào ngực, nếu gập không được hoặc trẻ lộ vẻ đau đớn (dấu hiệu cổ cứng) thì phải nghĩ ngay đến trẻ đã bị viêm màng não.
Đối với trẻ dưới 2 tuổi, dấu hiệu thóp trước phồng lên cũng rất quan trọng để nhận ra viêm màng não. Phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để lấy nước não tủy xét nghiệm xem trong (lao hay siêu vi), đục (mủ) và có cách điều trị đúng mức.
11. Viêm não cấp:
Nặng và nguy hơn viêm màng não vì do siêu vi thường nhất là viêm não siêu vi Nhật bản B, Enterovirus… không có thuốc đặc trị.
Trong mùa dịch nếu trẻ sốt không cao lắm 38.5 – 390C mà lên co giật, hôn mê không tỉnh lại sau vài giờ, giật liên miên phải đưa ngay cháu bé vào bệnh viện cấp cứu ngay. Viêm não siêu vi khác với viêm màng não vi khuẩn ở chỗ không có thóp phồng hay cổ cứng nhưng có ba triệu chứng đặc hiệu viêm não là sốt cao, co giật hôn mê nhiều giờ hay nhiều ngày liền. Viêm não để lại di chứng tương đối nặng cho trẻ như điếc tai, không nhìn được nữa, liệt bán thân hay toàn thân, sống đời sống thực vật (trẻ nằm một chỗ mà không biết, không hiểu gì). Chỉ có bệnh viêm não siêu vi Nhật Bản B là viêm màng não do não mô cầu là đã có thuốc chủng ngừa nên các bậc cha mẹ cần cho con đi chích ngừa sớm trong mùa dịch viêm màng não hay viêm não. Đây là một số bệnh thường hay gây trẻ sốt, mà các bậc cha mẹ cần phát hiện sớm đưa trẻ đi khám bệnh và điều trị thật kịp thời cho chúng nhất là hai bệnh nặng trong mùa dịch là sốt xuất huyết và viêm não cấp.
12. Nhiễm trùng hệ niệu-sinh dục:
Bệnh này có thể làm cho bệnh nhân bị tiểu rát, tiểu máu, tiểu lắt nhắt (có cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên) và đau lưng kèm theo với sốt. Đây có thể là những biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng ở bàng quang, thận, hoặc đường tiểu. Có thể dùng kháng sinh để điều trị.
Những bệnh lý đặc biệt
Nhiều người bị những bệnh làm giảm khả năng hoạt động bình thường của hệ miễn dịch làm cho những tác nhân nhiễm trùng gây sốt có thể xâm nhập vào cơ thể một cách dễ dàng hơn. Tùy thuộc vào từng loại bệnh mà có thể các bác sĩ sẽ cảm thấy khó khăn khi tìm ra nguồn gốc gây sốt. Sốt diễn ra ở những người bị giới hạn khả năng chiến đấu chống lại nhiễm trùng có thể sẽ rất nguy hiểm.
Theo Benh