Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu chỉ khẳng định được người phụ nữ đang có thai chứ không thể biết thai đó ở trong hay ngoài tử cung.
1. Các dấu hiệu chửa ngoài tử cung trên xét nghiệm và thăm khám
Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu chỉ khẳng định được người phụ nữ đang có thai chứ không thể biết thai đó ở trong hay ngoài tử cung.
Siêu âm vùng bụng sẽ thấy có khối bên cạnh tử cung nhưng không thấy phôi thai trong lòng tử cung dù xét nghiệm máu (hay nước tiểu) cho kết quả có thai. Tuy nhiên, siêu âm có thể thấy tình trạng chảy máu trong ổ bụng.
Có khi bệnh nhân được đề nghị làm thủ thuật chọc dò ổ bụng qua ngã bụng hoặc qua ngã âm đạo để kiểm tra xem có tình trạng chảy máu trong ổ bụng hay không.
2. Có thể lầm thai ngoài tử cung với bệnh lý gì?
Thai ngoài tử cung có thể lầm với những trường hợp bệnh lý sau đây:
– Rong kinh hay rối loạn kinh nguyệt: đây là trường hợp thường gặp nhất
– Có thai giai đoạn sớm: cũng có thể bị ra máu và đau ít hay trằn nặng vùng bụng dưới. Có thai ở giai đoạn quá sớm khi siêu âm cũng sẽ không thấy được túi thai trong lòng tử cung, tương tự như hình ảnh siêu âm của thai ngoài tử cung.
– Đe dọa sảy thai: cũng có tình trạng đau bụng và chảy máu âm đạo.
– Thai hư (thai lưu) ở giai đoạn sớm sẽ có tình trạng ra máu dây dưa kéo dài, khi sắp bị sảy tự nhiên cũng có đau bụng.
– Bệnh lý của các cơ quan khác trong ổ bụng (tùy thuộc vị trí thai ngoài tử cung bám vào hoặc gây đau).
3. Hậu quả của thai ngoài tử cung đối với sức khỏe sinh sản của người phụ nữ:
Hậu quả tức thì:
khối thai ngoài tử cung khi vỡ, có thể gây chảy máu ồ ạt trong bụng, nếu không cấp cứu kịp thời có thể bị mất máu nhiều, choáng và tử vong.
Hậu quả về sau:
– Khả năng tiếp tục có thai ngoài tử cung lại ở những lần có thai sau
– Khả năng bị vô sinh hoặc khó có thai (nếu cả hai vòi trứng đã từng bị thai ngoài tử cung bám hoặc đã bị phẫu thuật cắt bỏ).
4. Nguyên tắc điều trị thai ngoài tử cung
Khối thai nằm ngoài tử cung sẽ khó có thể phát triển thành thai bình thường, đủ ngày đủ tháng được vì không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho thai phát triển. Khối thai sẽ vỡ ra và chảy máu, thời điểm sớm hay muộn tùy thuộc vào vị trí của khối thai. Vì vậy, nguyên tắc điều trị là phải làm sao lấy đi khối thai, hoặc làm cho khối thai không tiếp tục phát triển sai vị trí và tự tiêu biến đi.
Ngoài ra, còn phải tùy theo tình trạng mất máu của người bệnh để có những xử trí cấp cứu kịp thời và đúng cách (như truyền máu).
5. Các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung hiện nay:
Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật): nhằm lấy đi khối thai, có thể gồm mổ bụng hở hay mổ qua nội soi. Phẫu thuật nội soi là mở một vài lỗ nhỏ ở thành bụng, đưa dụng cụ phẫu thuật vào và qua các dụng cụ này sẽ thực hiện các thao tác để lấy khối thai. Phẫu thuật nội soi cần nhiều điều kiện về kỹ thuật, trang bị, nhân sự, nhưng có lợi cho bệnh nhân nhiều hơn vì sẽ ít gây dính vùng bụng sau mổ hơn là mổ bụng hở. Tuy nhiên, khi khối thai đã vỡ, hay khi có quá nhiều máu trong ổ bụng, không thể tiến hành mổ nội soi được thì buộc phải mổ hở. Điều trị phẫu thuật là cách điều trị chủ yếu từ trước tới nay.
Điều trị nội khoa (dùng thuốc): dùng một chất gây độc tế bào tiêm vào cơ thể hay vào khối thai, mục đích làm chết các tế bào của khối thai.
Chất hiện đang được dùng là Methotrexate, là một chất cạnh tranh với acid folic (là thành phần quan trọng trong chu trình làm việc và tăng trưởng của tế bào, giúp tế bào sinh sôi và phát triển). Methotrexate cũng là một trong những thuốc được dùng để điều trị ung thư. Tại Mỹ, thuốc đã được dùng từ những năm 1950 trong điều trị ung thư, và từ những năm 1980 trong điều trị thai ngoài tử cung.
Có nhiều cách dùng thuốc: chích thuốc vào bắp cơ một lần duy nhất, hoặc nhiều lần, hoặc chích thẳng vào khối thai. Thuốc gây ra một số tác dụng phụ như viêm dạ dày, viêm da, ảnh hưởng gan, tuy nhiên, trong trường hợp điều trị thai ngoài tử cung, do liều dùng thấp, nên hầu như các tác dụng này không đáng ngại (thông thường, với một liều chích vào mạch máu, sau 24 giờ, 90% thuốc đã được thải qua đường thận). Sau khi tiêm thuốc, bệnh nhân được theo dõi để đánh giá tình trạng khối thai, thời gian này kéo dài hơn so với điều trị phẫu thuật (từ 3-4 tuần). Cũng có khi khối thai vẫn tiếp tục phát triển sau dùng thuốc, buộc phải chuyển sang phẫu thuật.
Cách điều trị này được áp dụng tại các bệnh viện chuyên khoa sản trong vòng 10 năm trở lại đây. Cách sử dụng thuốc phổ biến hiện nay là dùng Methotrexate 1 liều, tiêm bắp, có thể lặp lại tối đa 3 liều. Những trường hợp thai ngoài tử cung chưa vỡ, kích thước dưới 3cm, tim thai chưa có hoạt động, thường được chọn lựa cho điều trị bằng thuốc. Theo dõi sau đó bao gồm theo dõi tình trạng đau trên lâm sàng và trên siêu âm không thấy có tình trạng dịch ổ bụng do khối thai bị rạn nứt hay vỡ, diễn tiến nhỏ dần của khối thai và theo dõi trên xét nghiệm máu, đánh giá sự giảm dần nồng độ Beta HCG, là một chất do nhau thai tiết ra, chứng tỏ nhau thai đã bị thoái hoá dần dần. Bệnh nhân được yêu cầu không có thai ít nhất là 2 tháng sau điều trị nội khoa.
Điều trị bảo tồn hay không bảo tồn: là có giữ lại được vòi trứng hay không. Khi khối thai đã vỡ thì thường phải cắt bỏ vòi trứng. Nếu bệnh nhân chỉ còn lại một bên vòi trứng thì vẫn còn khả năng có thai. Tuy nhiên, nếu lần sau vẫn bị thai ngoài tử cung, thì có nhiều khả năng sẽ mất cả vòi trứng còn lại. Do đó, khi khối thai chưa vỡ, người ta thường đặt vấn đề bảo tồn vòi trứng, đặc biệt trên người chưa đủ con. Phẫu thuật lúc này sẽ là mở vòi trứng, lấy khối thai và cầm máu. Cũng có khả năng tái phát thai ngoài tử cung ngay trên chỗ mở vòi trứng, nhưng dù sao, bệnh nhân vẫn giữ được vòi trứng thì khả năng có thai sẽ vẫn tốt hơn là chỉ còn một bên vòi trứng. Có thể thực hiện bảo tồn qua mổ nội soi hay mổ bụng hở. Còn khi điều trị nội khoa thành công thì đương nhiên giữ lại được vòi trứng, hơn nữa, khả năng tái phát trên vòi trứng nếu điều trị nội khoa sẽ thấp hơn khi phẫu thuật.
Điều trị tại chỗ: dùng thuốc hay một số chất đặc biệt tiêm thằng vào khối thai, mục đích làm cho tế bào nhau và thai chết đi, có thể dùng Methotrexate, dung dịch đường ưu trương, Clorua kali … Tuy nhiên, đây là cách điều trị không phổ biến, chỉ sử dụng trong một vài trường hợp hạn hữu.
Việc lựa chọn các phương pháp điều trị tuỳ thuộc vào:
– Khối thai to hay nhỏ, đã vỡ hay chưa vỡ
– Tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân, khả năng kinh tế, sự thông hiểu của bệnh nhân (nhất là khi điều trị nội khoa: cần sự kiên trì theo dõi, tái khám nhiều lần và chấp nhận có thể thất bại phải chuyển sang phẫu thuật)
– Tình trạng của cơ sở y tế, có trang thiết bị và nhân sự được đào tạo.
6. Sau khi điều trị thai ngoài tử cung, khả năng có thai lại như thế nào? Khả năng thai ngoài tử cung tái phát?
Sau khi điều trị thai ngoài tử cung ổn định, vẫn có thể có thai lại. Thời gian để có thai lại tuỳ thuộc vào tình trạng lần thai ngoài tử cung, tình trạng mất máu gây ảnh hưởng sức khoẻ và phương pháp điều trị đã được sử dụng (điều trị bằng thuốc cần thời gian lâu hơn).
Nguy cơ thai ngoài tử cung tái phát có thể trên 10%, tuy nhiên, còn tuỳ thuộc vào nguyên nhân, nếu do bị viêm nhiễm gây tắc hẹp vòi trứng thì khả năng này khá cao. Thai ngoài tử cung tái phát có thể lặp lại trên vòi trứng còn lại, trên chỗ mở của vòi trứng lần trước (nếu đã mổ bảo tồn) hay trên mỏm cụt của vòi trứng đã cắt.
Nguy cơ hiếm gặp:
– Tình trạng còn sót lại tế bào nhau thai sau điều trị (có thể gặp dù điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật, có bảo tồn hay không bảo tồn). Các tế bào nhau thai vẫn tiếp tục phát triển trong ổ bụng, hay trong vòi trứng, chất Beta HCG tiếp tục gia tăng.
– Thai ngoài tử cung vẫn tiếp tục phát triển trong ổ bụng: thường là khi thai nằm ở vòi trứng hay buồng trứng rồi tự rơi vào trong ổ bụng, sau đó bám vào một vị trí bất kỳ trong ổ bụng và phát triển tiếp tục hay sẽ tự chết đi và thoái hoá tạo thành khối vật lạ trong ổ bụng, đòi hỏi phải can thiệp phẫu thuật sau một khoảng thời gian muộn hơn. Rất hiếm trường hợp thai có thể phát triển tới lúc thai trưởng thành và có thể sống độc lập khỏi cơ thể mẹ.
7. Phòng ngừa Thai ngoài tử cung như thế nào?
– Giữ gìn vệ sinh kinh nguyệt tốt, nhất là trong giai đoạn sau sanh và cho con bú
– Sử dụng các biện pháp phòng tránh thai hiện nay
– Hạn chế nạo phá thai
– Nên đi khám thai sớm:
+ Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có thai (thử que nước tiểu hoặc có các dấu hiệu ốm nghén)
+ Khi bị đau bụng hay ra máu bất thường vào giai đoạn sớm của thai kì
+ Nếu có thai ở những người đã từng bị thai ngoài tử cung hay có tình trạng viêm nhiễm sinh dục trước đó
– Khi phát hiện hay nghi ngờ có thai ngoài tử cung, người phụ nữ nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán rõ ràng và điều trị kịp thời. Phát hiện sớm khi thai ngoài tử cung chưa vỡ sẽ giúp giảm được tình trạng mất máu do thai vỡ, giảm nguy cơ bị choáng và tử vong do thai ngoài tử cung, gia tăng khả năng giữ lại được vòi trứng – duy trì khả năng có thai lại bình thường.
– Khi có viêm nhiễm sinh dục nên đi khám bệnh để được điều trị đầy đủ. Khám phụ khoa định kỳ và khám phụ khoa ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm sinh dục để được điều trị thích hợp, tránh di chứng viêm dính gây tắc vòi trứng, nguy hại cho khả năng sinh sản về sau.
– Cuối cùng, người phụ nữ mang thai khi đi khám bệnh dù bất kì bệnh lý gì cũng nên thông báo cho bác sĩ và nhân viên Y tế về tình trạng có thai của mình, tránh việc chẩn đoán lầm và dùng thuốc không thích hợp.
Theo Benh