Hỏi: Tôi có thắc mắc sau rất mong được luật sư giải đáp: Thế nào gọi là chuyển nhượng nhà, đất bằng hợp đồng ủy quyền? Những thuận lợi và rủi ro khi ủy quyền chuyển nhượng nhà đất?
Xin cảm ơn!
(Thành Trung)
Những trường hợp ủy quyền chuyển nhượng nhà đất? (Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Trả lời:
Điều 562. Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Việc chuyển nhượng nhà, đất thông qua hợp đồng ủy quyền được hiểu như sau: Do một lý do nào đó mà chủ sở hữu nhà, chủ sử dụng quyền sử dụng đất không thể trực tiếp chuyển nhượng nhà, đất của mình cho người mua nên họ ủy quyền cho người khác thay mặt mình thực hiện việc chuyển nhượng này.
Đồng thời, việc ủy quyền chuyển nhượng nhà đất phải được lập thành văn bản và được cơ quan có thẩm quyền chứng thực, công chứng.
Thực tế cho thấy, việc ủy quyền chuyển nhượng nhà đất sẽ được thực hiện trong những trường hợp sau:
– Người bán không thể trực tiếp chuyển nhượng vì có vấn đề vì sức khỏe, tuy nhiên chưa đến mức mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của bản thân.
– Người bán đang ở nước ngoài không thể về nước hoặc sẽ tốn nhiều chi phí nếu về nước.
– Người bán không nắm được các thủ tục chuyển nhượng như đàm phán, soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng đặt cọc, mời người làm chứng, hình thức thanh toán (chuyển khoản hay tiền mặt), địa điểm chuyển khoản là nhà riêng hay ngân hàng, trách nhiệm sang tên, thời gian bàn giao tài sản, nghĩa vụ thuế, kê khai hồ sơ đăng ký biến động sau khi hợp đồng chuyển nhượng được công chứng… hoặc không có kinh nghiệm về mua bán nhà đất.
– Chồng, vợ ủy quyền cho nhau trong việc định đoạt tài sản chung vợ chồng.
Việc ủy quyền chuyển nhượng nhà đất có một số thuận lợi như: Giảm thiểu các tranh chấp trong mua bán nhà, đất; đơn giản hóa và cắt giảm được chi phí trong trường hợp chủ tài sản ở nước ngoài; thực hiện sang tên trước bạ nhanh chóng, thuận lợi; có thể thực hiện linh hoạt sau khi được ủy quyền, không phụ thuộc vào sức khỏe của chủ sở hữu nhà, đất.
Lưu ý, người ủy quyền cần quan tâm tới những vấn đề sau đây để hạn chế rủi ro xảy ra:
Một là, chủ sở hữu tài sản chỉ ủy quyền cho người mình biết rõ về đạo đức, phẩm chất của họ. Trường hợp người nhận ủy quyền có quan hệ thân thích nhưng chưa có kinh nghiệm thì người ủy quyền nên đề nghị họ tham vấn chuyên gia về bất động sản, pháp luật.
Hai là, trong hợp đồng ủy quyền cần thống nhất một số nội dung như: Việc thanh toán chỉ được thực hiện ở ngân hàng; thay vì thanh toán cho người nhận ủy quyền, người mua sẽ thanh toán trực tiếp vào tài khoản của chủ tài sản (chuyển khoản). Khi bên mua đã thanh toán đầy đủ tiền mua nhà, đất cho bên bán thì mới bàn giao tài sản.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
(Công ty Luật Bảo An, Hà Nội)
Theo Vnexpress