Theo thống kê tại Mỹ cho thấy tỷ lệ chửa ngoài tử cung ở thập kỷ 80 đã tăng gấp 5 lần so với thập kỷ 70 do tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, tình trạng nạo phá thai ngày càng gia tăng, viêm nhiễm sinh dục.
Chửa ngoài tử cung là gì?
Tử cung hay còn gọi là dạ con, là cơ quan sinh sản của người phụ nữ, khi mang thai bào thai sẽ phát triển tại đó. Tử cung có 2 vòi vòi trứng ở hai bên, nối với 2 buồng trứng hai bên, là nơi trứng sau khi thụ tinh (kết hợp với tinh trùng của người nam) sẽ đi ngược vào lòng tử cung để phát triển thành thai.
Chửa ngoài tử cung (hay chửa ngoài dạ con) là tình trạng trứng sau khi thụ tinh tại 1/3 ngoài của vòi tử cung (vòi trứng) không chuyển được vào buồng tử cung như bình thường mà lại phát triển tại một vị trí nào đó. Vị trí thường gặp nhất vẫn ở vòi tử cung (trên 90% các trường hợp), nhưng cũng có thể gặp chửa ngoài tử cung ở ngay buồng trứng hoặc trong ổ bụng.
Nguyên nhân gây chửa ngoài tử cung
Theo thống kê tại Mỹ cho thấy tỷ lệ chửa ngoài tử cung ở thập kỷ 80 đã tăng gấp 5 lần so với thập kỷ 70 do tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, tình trạng nạo phá thai ngày càng gia tăng, viêm nhiễm sinh dục
Nguyên nhân chủ yếu do viêm nhiễm vòi tử cung làm cho vòi này bị chít hẹp lại hoặc do khối u ở trong hay ngoài vòi tử cung chèn ép làm cho lòng vòi hẹp lại. Lại có khi do nhu động của vòi tử cung thay đổi khiến trứng đã thụ tinh bị dừng lại trên đường di chuyển vào buồng tử cung hoặc có khi lại di chuyển ngược ra phía ổ bụng. Cũng có khi do vòi tử cung quá nhỏ hẹp ở người có bộ phận sinh dục không bình thường…
Thai ngoài tử cung có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau như ở vòi trứng (thường gặp nhất), hoặc bám phía trên buồng trứng, thậm chí nằm trong ổ bụng hay nằm tại cổ tử cung. Thai ngoài tử cung ở vị trí ngay chỗ nối giữa vòi trứng và tử cung (gọi là thai đoạn kẽ, thai sừng hay thai góc tử cung) là nguy hiểm nhất vì khó chẩn đoán được sớm, gây mất máu nhiều và nhanh khi thai vỡ, ảnh hưởng nhiều đến khả năng có thai sau này.
Đối tượng có nguy cơ cao chửa ngoài tử cung
Chửa ngoài tử cung có thể gặp ở phụ nữ từ tuổi dậy thì đến tuổi mãn kinh nhưng gần một nửa số chửa ngoài tử cung ở lứa tuổi 20 – 29; đặc biệt hay gặp ở những người lấy chồng nhiều năm chưa sinh đẻ, người đã điều trị viêm nhiễm đường sinh dục và những người đã từng bị chửa ngoài tử cung trước đó.
Dấu hiệu nhận biết chửa ngoài tử cung
Dấu hiệu đầu tiên của chửa ngoài tử cung là sau khi thấy chậm kinh từ 1 đến 8 tuần, bệnh nhân thử nước tiểu thấy dấu hiệu có thai, thậm chí có các dấu hiệu ốm nghén. Người bệnh thấy đau bụng và chảy máu từ âm đạo. Lúc đầu chỉ âm ỉ ở bụng dưới và thường ở bên vòi tử cung có thai. Đôi khi do mải làm việc không thấy cảm giác đau nhưng khi nghỉ ngơi lại thấy đau. Nguyên nhân là do khối thai nằm trong vòi tử cung lớn dần lên làm vòi tử cung giãn rộng ra và giãn đến mức nào đó, vòi tử cung sẽ vỡ, gây chảy máu ào ạt.
Khi có tình trạng vỡ vòi trứng, sẽ có cơn đau dữ dội, da xanh xao và cảm giác mệt lả người hay ngất xỉu. Tình trạng này sẽ càng ngày càng trầm trọng do máu chảy nhiều trong ổ bụng và không thể tự cầm được, có thể dẫn tới tử vong.
Khi khám bệnh, bác sĩ sẽ khám được tình trạng đau vùng bụng dưới, có khi sờ được khối đau hay khắp bụng có phản ứng căng cứng (khi có chảy máu nhiều trong bụng).
Theo Benh