Nghiên cứu của ĐH Linkoping, Thụy Điển chỉ ra rằng chế độ ăn ít carbonhydrat (carb- tinh bột và đường) có thể giúp giảm viêm cho người bị tiểu đường.
Những người bị tiểu đường tuyp 2 thường có mức độ viêm nặng hơn, điều này làm gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
Trong nghiên cứu này, những người tham gia được sắp xếp ngẫu nhiên và thực hiện chế độ ăn ít carb hoặc ít béo. Các nhà nghiên cứu đã so sánh chế độ ăn ít carb với chế độ ăn ít béo truyền thống qua thời gian 2 năm trên 61 bệnh nhân được chẩn đoán bị tiểu đường tuyp 2.
Họ cũng nghiên cứu ảnh hưởng của những chế độ ăn này lên mức độ viêm với sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa tim, người đã kiểm tra mức độ viêm trong máu. Điều thú vị là, cả hai chế độ ăn này đều có hiệu quả tương tự về giảm cân: cho dù những bệnh nhân này thực hiện chế độ ăn ít béo hoặc ít carb, họ đều cho thấy giảm cân khi kết thúc nghiên cứu (giảm 4 kg).
Nhưng chế độ ăn ít carb cho thấy hàm lượng gluco giảm nhiều hơn đáng kể và sau 6 tháng, mức độ viêm giảm hơn so với những người thực hiện chế độ ăn ít béo.
Chế độ ăn cho người bị tiểu đường từng gây rất nhiều tranh cãi với nhiều ý kiến cho rằng chế độ ăn ít carb không mang lại bất cứ lợi ích nào cho người bị tiểu đường.
Nhưng gần đây, Hiệp hội tiểu đường Mỹ đã coi chế độ ăn ít carb là lựa chọn khả thi cho bệnh nhân tiểu đường. Trước đó họ cho rằng không có đủ bằng chứng cho thấy chế độ ăn ít carb là lành mạnh và hiệu quả và thay vào đó đề nghị chế độ ăn ít chất béo.
Lời khuyên trong chế độ ăn uống đối với bệnh nhân tiểu tháo đường:
– Chia thành nhiều bữa trong ngày, không bỏ bữa, ăn đúng giờ: Bệnh nhân tiểu đường có thể dùng cùng các loại thực phẩm như mọi người nhưng với số lượng vừa phải, ăn đúng giờ để thích hợp với mức độ đường huyết và liều lượng các thuốc hạ đường huyết đang dùng.
– Nên ăn ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt với hàm lượng chất xơ, khoáng chất và vitamin cao cũng là một lựa chọn lành mạnh khác trong chế độ ăn của bệnh nhân tiểu đường. Theo các chuyên gia, ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2-30%.
– Không uống bia rượu và các chất kích thích; Rượu bia và các chất kích thích sẽ làm cho lượng đường trong máu lập tức tăng cao không khống chế được. Còn khi thường xuyên uống rượu mà không ăn thức ăn thì làm chậm quá trình phân giải đường nguyên chất ở gan, làm lượng đường trong máu giảm xuống, xuất hiện triệu chứng đường máu thấp. Vì vậy, bạn nên hạn chế uống rượu cho dù bạn có bị bệnh tiểu đường hay không và người bị tiểu đường thì càng nên tránh uống rượu.
Theo Afamily