Mặc cảm với hàm răng đen xỉn do hồi bé uống quá nhiều thuốc tetracyclin, chị N.T.H. (TP HCM) đã đi tẩy trắng răng tại một cơ sở tư nhân.
Chị vốn bị mòn cổ răng, nên chất tẩy đã đi qua khe nứt, tấn công vào bên trong răng, gây cảm giác ê buốt ngày càng tăng. Tình trạng này có thể dẫn đến chết tủy.
Anh Trịnh Kim Ngân (Đồng Nai) cũng đi tẩy răng do không hài lòng với hàm răng quá vàng. Sau khi tẩy, răng anh có trắng hơn nhưng lợi bị tụt, trông rất xấu. Anh phải đếnViện Răng hàm mặt với hy vọng phục hồi lợi.
Còn chị Trần Thanh N. (TP HCM) cũng phải cầu cứu bác sĩ vì càng tẩy, răng chị càng đen. Các bác sĩ giải thích rằng răng chị bị nhiễm Amalgame (một chất liệu dùng trám răng). Do thành phần của Amalgame có bạc, thuốc tẩy là chất ôxit hóa nên khi tác dụng với nhau, hai chất này sẽ tạo ra ôxit bạc có màu nâu xám hoặc đen.
Việc tẩy răng đang được thực hiện tràn lan tại các phòng nha tư nhân. Nhiều bác sĩ tẩy cho bất cứ ai có nhu cầu mà không giải thích cho họ về những nguy cơ có thể gặp. Nguy hiểm hơn, nhiều bệnh nhân tự mua thuốc tẩy bán sẵn tại các siêu thị, nhà thuốc để tẩy. Có người đã bị bỏng lợi do dùng thuốc quá liều lượng cho phép.
Theo BS Đặng Nguyễn Khanh,Trung tâm Răng hàm mặt TP HCM, không phải ai cũng nên tẩy trắng răng vì trong nhiều trường hợp, việc áp dụng kỹ thuật này có thể gây hại. Sau một tháng triển khai kỹ thuật tẩy trắng răng, Viện chỉ chọn được 8 người có đủ tiêu chuẩn trong số 30 người yêu cầu được điều trị.
Chỉ định và chống chỉ định
Theo BS Hà Thị Nga, PGĐ Trung tâm Răng hàm mặt TP HCM, điều kiện để được tẩy trắng răng là răng không bị hư, sâu, vỡ nhiều hoặc có các mảng trám răng lớn. Đối với trường hợp răng nhiễm sắc, chỉ nhận tẩy những người có độ nhiễm từ trung bình đến nhẹ.
Ngoài ra, những bệnh nhân sau cũng không nên tẩy răng vì rất dễ bị viêm tủy:
– Mòn cổ răng.
– Răng bị rạn do ăn nóng, uống lạnh thường xuyên.
– Răng bị thiểu sản men.
Kỹ thuật tẩy răng
Trước khi tẩy, nha sĩ dùng một loại chất dẻo lấy dấu răng, tạo ra một hàm răng giả có kích thước và hình dáng giống hệt hàm răng người cần tẩy để làm máng tẩy. Máng tẩy gồm 2 loại:
– Máng cứng: Làm bằng nhựa trong, có thể đeo vào răng trong khi làm việc, sinh hoạt mà không bị trở ngại.
– Máng mềm: Làm bằng nhựa màu đục, thường đeo khi ở nhà.
Đến ngày hẹn, bệnh nhân được cạo vôi răng để lấy đi các chất bẩn và đánh bóng răng. Sau đó, bác sĩ cho thuốc tẩy (nồng độ thuốc tùy thuộc vào độ nhiễm sắc của răng) vào máng để lồng vào răng. Công đoạn này phải làm 4 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày, do nha sĩ thực hiện ngay tại phòng khám.
Giữa các lần này, bệnh nhân được phát thuốc (có nồng độ tẩy thấp) để về nhà tự bỏ vào máng tẩy, lồng vào răng. Một ca tẩy răng thường kéo dài 10-21 ngày. Nếu bệnh nhân đã hài lòng với độ trắng của răng thì có thể kết thúc sớm hơn.
Trong quá trình tẩy, bệnh nhân thường có cảm giác hơi ê buốt, nhất là ở các răng cửa (đặc biệt là ở răng cửa dưới). Nếu cảm giác ê buốt kéo dài sau khi quá trình tẩy đã hoàn tất, bệnh nhân phải quay lại gặp nha sĩ ngay.
Hiệu quả của kỹ thuật tẩy trắng răng phụ thuộc rất nhiều vào bệnh nhân. Mức độ tẩy trắng được bao nhiêu là do cấu tạo men răng của mỗi người quyết định.
Răng bị vôi hóa cao thì thời gian tẩy trắng kéo dài, nhưng lại giữ được độ trắng lâu hơn so với răng có mức vôi hóa thấp. Khoảng 3-4 năm sau khi tẩy trắng, răng thường bị nhiễm sắc trở lại. Để răng lâu nhiễm sắc, bệnh nhân không nên dùng hoặc hạn chế tối đa các loại thực phẩm có phẩm màu hay màu sắc đậm như cà phê, trà, thuốc lá…
Theo Suckhoedoisong